Thách thức với mô hình PPP
14/07/2010

 

Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) hoàn thiện một vài điểm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT, gọi đây là một chương trình “tham vọng nhưng đầy thách thức”. Nếu chương trình được thông qua thì sẽ mở ra khả năng rất lớn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

 

Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) vẫn đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) hoàn thiện một vài điểm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT, gọi đây là một chương trình “tham vọng nhưng đầy thách thức”. Nếu chương trình được thông qua thì sẽ mở ra khả năng rất lớn trong việc huy động nguồn vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng.

Tại hội nghị về vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng do Bộ KHĐT phối hợp với UBND TPHCM tổ chức hồi tuần rồi, ông Đông cho biết trong vòng 10 năm tới nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng 7-8%/năm, Việt Nam cần khoảng 100-150 tỉ đô la Mỹ, tức là gần 10 tỉ đô la/năm để đầu tư vào các cơ sở hạ tầng thiết yếu của nền kinh tế như giao thông, điện, nước...

Tuy nhiên, nếu trông cậy vào các nguồn ngân sách, trái phiếu, ODA... thì chỉ đáp ứng được 40-50%. Số còn lại hoàn toàn trông chờ vào việc huy động từ khu vực tư nhân trong và ngoài nước, mà theo ông Đông, mô hình PPP là lựa chọn thích hợp nhất. Nó vừa phù hợp với thông lệ quốc tế, vừa mang lại hiệu quả cao.

Trong khi đó, theo bà Vũ Quỳnh Lê, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu của Bộ KHĐT, PPP không phải là khái niệm mới mà thực chất đã có tại Việt Nam dưới hình thức hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), BTO (xây dựng - chuyển giao - kinh doanh), BT (xây dựng - chuyển giao)...

Các hình thức hợp đồng này từng được quy định trong Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam từ năm 1996, sau đó là Luật Đầu tư vào năm 2005 và được cụ thể hóa bởi Nghị định 108/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Thế nhưng, bà Lê cho hay đến nay cả nước chỉ mới có 90 dự án đầu tư theo các hình thức trên với tổng vốn đăng ký 7,1 tỉ đô la Mỹ. Trong đó, đầu tư về giao thông chiếm 70% số dự án và 95% vốn; số dự án còn lại gồm các công trình về điện, viễn thông, xử lý nước.

Nguyên nhân của việc thu hút kém là do thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền và bị “vướng” về mặt pháp luật. Cũng như bà Lê, ông Đông cho rằng “khó khăn nhất là thủ tục và khung chính sách không tường minh đã làm e ngại các nhà đầu tư tư nhân”. Hầu hết các dự án nhà nước kêu gọi đầu tư hiện nay được chuẩn bị hết sức sơ sài với vài thông số đơn giản, còn lại nhà đầu tư phải tự lo, phải đi “gõ cửa” từng cơ quan, đàm phán từng vấn đề một, thủ tục có khi kéo dài hàng năm trời mà không rõ có được duyệt không.

Thứ trưởng Đông cho biết đề xuất của Bộ KHĐT trong đề án thí điểm PPP sẽ làm theo một phương pháp mới hoàn toàn. Tức là thay vì nhà đầu tư phải đi “gõ cửa” đàm phán với từng cơ quan thì các cơ quan nhà nước sẽ chuẩn bị sẵn “đầu bài” cần thiết trước khi mời gọi nhà đầu tư cho từng dự án cụ thể. Chẳng hạn như điều kiện đầu tư, chính sách ưu đãi, thuế, thậm chí kể cả lập báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng PPP...

Tất cả những cái đó phải có sự đồng thuận, thống nhất cao trong nội bộ phía Việt Nam, không đẩy cái khó cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, theo ông Đông, nếu như hầu hết các dự án hiện nay đều dưới dạng chỉ định thầu thì với cách làm mới, tất cả đều phải được đưa ra đấu thầu rộng rãi. Bộ KHĐT sẽ vận động tham gia đấu thầu thông qua các cuộc hội thảo, kể cả gặp đại diện của các nhà đầu tư tại các trung tâm tài chính lớn của thế giới. Họ sẽ mua hồ sơ để làm bài dự thầu. Nếu dự án 1 tỉ thì chi phí mua hồ sơ có thể 10 triệu, thậm chí hàng chục triệu đô la.

“Nếu cuộc chơi không minh bạch hoặc có khả năng móc ngoặc, tham nhũng nào đấy hoặc khả năng thắng thầu thấp thì không bao giờ người ta bỏ một khoản tiền lớn như vậy. Cho nên chúng ta phải làm rất kỹ”, ông Đông nói.

Trả lời TBKTSG, bà Lê nhấn mạnh thêm rằng vì tư nhân bỏ vốn ra nên chắc chắn sẽ được giám sát rất kỹ, do đó tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án cũng sẽ giảm thiểu đáng kể. Sau khi vận động, công bố hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư sẽ chuẩn bị trong vòng 2-3 tháng và việc chấm thầu sẽ mất khoảng 1-2 tháng. Cơ sở để chấm chủ yếu dựa vào ba tiêu chí: kinh nghiệm, công nghệ và mức đòi hỏi hỗ trợ của Nhà nước vào dự án.

Ông Nguyễn Thành Tài, Phó chủ tịch UBND TPHCM, cho biết riêng TPHCM từ nay đến năm 2015 nhu cầu về vốn cho cơ sở hạ tầng là khoảng 300.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 15 tỉ đô la Mỹ). Ông cũng cho rằng thành phố hoàn toàn có khả năng áp dụng mô hình PPP vì đã có kinh nghiệm với quỹ đầu tư và phát triển ra đời cách đây 10 năm. Trong đó có nhiều công trình do tư nhân bỏ vốn ra đầu tư, Nhà nước hỗ trợ lãi suất và về bản chất cũng không khác biệt lắm so với PPP. Tuy nhiên, muốn thành công thì phải có chính sách rõ ràng, ổn định; có nguồn nhân lực và thủ tục hành chính phải tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư.

Mức đòi hỏi càng thấp, điểm càng cao và nhà thầu được chấm phải là nhà thầu có mức yêu cầu hỗ trợ của nhà nước thấp nhất. Theo đề xuất của Bộ KHĐT, vốn tham gia của Nhà nước chỉ nên tối đa 30%, còn lại 70% là vốn của tư nhân (trong đó vốn chủ sở hữu phải đạt 21%, vốn vay thương mại 49%). Sau khi thắng thầu và được lựa chọn, nhà đầu tư sẽ được cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án.

Bà Lê cho biết, trước mắt theo đề xuất của Bộ KHĐT, mô hình PPP sẽ được áp dụng thí điểm ở một số tỉnh, thành phố, trong đó có TPHCM. Bộ KHĐT và từng địa phương được lựa chọn sẽ phải lập tổ công tác chuyên trách để tiến hành thí điểm. Thứ trưởng Đông nói rằng nếu Nhà nước có quyết tâm cao và đồng thuận giữa các cơ quan có thẩm quyền thì mô hình mới mẻ này chắc chắn sẽ thành công.

Tuy nhiên, thách thức đặt ra cho mô hình PPP cũng rất nhiều. Trước mắt là nguồn nhân lực cho việc chuẩn bị các bước trước khi mời gọi nhà đầu tư. Phải có một đội ngũ chuyên gia giỏi, uy tín mới lập được bộ hồ sơ mời thầu vừa chuyên nghiệp, vừa hấp dẫn. Ông Đông nói không loại trừ khả năng sẽ phải mời cả tư vấn quốc tế để họ giúp đỡ và hy vọng số người được đào luyện sẽ tăng dần lên sau khi thực hiện một số dự án thí điểm.

Nhưng vấn đề nhân lực cũng chưa đáng lo bằng vấn nạn thủ tục hành chính. Một nhà đầu tư cho rằng đề xuất của Bộ KHĐT nếu suôn sẻ cũng chỉ mới giải quyết được khâu cấp giấy chứng nhận đầu tư - một phần trong cả “đoạn trường” thủ tục đầu tư mà thôi. Thực vậy, theo một kết quả khảo sát của IFC vào tháng 3-2009, để có giấy chứng nhận đầu tư, nhà đầu tư phải thực hiện ba loại thủ tục và sau đó phải cần tới 11 loại thủ tục khác thì dự án mới có thể triển khai thực hiện. Số lần nhà đầu tư phải đến cơ quan chức năng là 38 lần; số lượng giấy tờ cần nộp là 67; thời gian thực hiện là trên 450 ngày...

Đầu tư theo hình thức đối tác công-tư là việc nhà nước và nhà đầu tư cùng phối hợp để thực hiện dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công trên cơ sở hợp đồng dự án (Theo Dự thảo Quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP) do Bộ KHĐT trình Thủ tướng Chính phủ ngày 22-3-2010).

Theo đề xuất của Bộ KHĐT, mô hình PPP sẽ được áp dụng thí điểm ở những lĩnh vực sau đây: 1. Đường bộ, cầu đường bộ, hầm đường bộ, bến phà đường bộ; đường sắt, cầu đường sắt, hầm đường sắt; 2. Giao thông đô thị; 3. Cảng hàng không, cảng biển, cảng sông; 4. Hệ thống cung cấp nước sạch; nhà máy điện; 5. Các dự án phát triển kết cấu hạ tầng, cung cấp dịch vụ công khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online