Áp lực giải ngân vốn FDI
27/11/2008

 

Mặc dù chưa khẳng định xu thế nào trong giải ngân vốn FDI trong năm 2009, song tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên các dự án FDI đang xuất hiện một cách rõ.

 

Mặc dù chưa khẳng định xu thế nào trong giải ngân vốn FDI trong năm 2009, song tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lên các dự án FDI đang xuất hiện một cách rõ.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hoà, Công ty TNHH công nghiệp nặng STX VINA (Hàn Quốc) đã có văn bản đề nghị điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư theo hướng kéo dài thời gian tham gia vốn theo đăng ký.

Dự án Phong điện tại Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 74 triệu USD cũng đang trong tình trạng chậm tiến độ. Kể từ thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 5/2007 đến nay, nhà đầu tư là Công ty Grerta Energy Inc (Canada) mới thực hiện khoảng 330.000 USD, khả năng là 0,69 triệu USD vào cuối năm 2008.

Không chỉ chậm tiến độ, nhà đầu tư nước ngoài trong Dự án Bệnh viện liên doanh điều dưỡng phục hồi chức năng chăm sóc tim mạch - Trung tâm não khoa Đà Lạt, sau khi hoàn thành các thủ tục hành chính, tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng và ký hợp đồng thuê đất đã về nước và không thấy quay trở lại. Hậu quả là, địa phương và bên Việt
Nam trong liên doanh đang lúng túng xử lý các vấn đề phát sinh.

Những khó khăn của nhà đầu tư cùng với những “nút thắt tăng trưởng” không dễ giải quyết, độ gioãng giữa vốn đăng ký và vốn giải ngân trong năm 2008 đã đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Theo dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng vốn FDI đăng ký năm nay đạt trên mức 60 tỷ USD, thực sự ấn tượng so với con số 20,3 tỷ USD của năm 2007. Song, cho dù nỗ lực giải ngân được thực hiện, mức kỳ vọng cao nhất là 12 tỷ USD cũng quá xa so với tổng vốn đăng ký.

Rõ ràng, áp lực đang đè nặng lên ngành kế hoạch và đầu tư khi nguồn vốn FDI năm 2009 được dự báo là hạn chế do hậu quả của khó khăn kinh tế năm nay và năm tới. Theo ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kịch bản lạc quan nhất là duy trì mức tăng trưởng như năm 2008 với giải pháp hướng mạnh vào các đối tác mới không chịu ảnh hưởng khủng hoảng tài chính như các nhà đầu tư từ khu vực Trung Đông… thực sự khó đạt được.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia trong khu vực nhằm thu hút FDI đang nổi lên mạnh mẽ. Lợi thế về hệ số tín nhiệm quốc gia, chỉ số lạm phát lại không nghiêng về Việt
Nam. Không những thế, những thay đổi chính sách thuế xuất nhập khẩu theo cam kết quốc tế của Việt Nam cũng sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Trong khi đó, những hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư thực hiện các điều kiện gia nhập thị trường một số ngành dịch vụ trong biểu cam kết của Việt Nam lại chậm, khiến cơ hội của nhà đầu tư không song hành với các cam kết. Đặc biệt, nhiều các dự án quy mô lớn, có diện tích sử dụng đất cao vướng vào tình trạng trì trệ trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, kéo dài hàng năm.

Thậm chí, tình trạng 4 dự án cảng thuộc hệ thống cảng Cải Mép - Thị Vải có tổng vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ USD đang lo ngại bị cô lập khi tuyến đường vào cảng triển khai quá chậm. Theo ông Thắng, nỗ lực đặt ra là giữ mức tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký khoảng 50% cho với năm nay, mức giải ngân khoảng 12-13 tỷ USD. Tuy nhiên, các chuyên gia kế hoạch cũng không loại trừ kịch bản thấp hơn, song mục tiêu vẫn là phải đạt trên mức 10 tỷ USD của năm 2007.

Tất nhiên, các giải pháp mạnh đẩy nhanh giải ngân, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả sử dụng đất cần được phối hợp chặt chẽ giữa trung ương và địa phương, giữa các cơ quan trung ương. Với các dự án bất động sản, ông Thắng cho rằng, cần chú trọng giám sát, kiểm soát chặt chẽ đảm bảo hài hoà lợi ích giữa địa phương và tổng thể nền kinh tế.

“Trước mắt, cần rà soát, đánh giá việc thực hiện Danh mục quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006-2010 để điều chỉnh, bổ sung theo hướng khai thác lợi thế của địa phương, kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia, hướng vào các dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới”, ông Thắng nhấn mạnh.

Nguồn: Báo Đầu tư