Ban hành Quy định về phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh
28/06/2010

 

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quy định về phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quy định về phối hợp giải quyết công việc giữa các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Theo đó, việc phối hợp được thực hiện trên nguyên tắc tuân thủ theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảm bảo kỷ cương, kỷ luật, tuân thủ đúng nội dung, phương thức và thời gian phối hợp. Thực hiện nguyên tắc đồng thuận giữa các sở, ban, ngành với nhau trong giải quyết công việc. Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận, có nhiều ý kiến khác nhau giữa các sở, ngành thì cơ quan chủ trì tổng hợp ý kiến, trình UBND tỉnh hoặc Chủ tịch UBND tỉnh xem xét giải quyết; đồng thời đề xuất phương án giải quyết của cơ quan mình. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp sẽ được giao cho sở, ban, ngành có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan nhiều nhất đến lĩnh vực hoặc nhiệm vụ cần phối hợp hoặc do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo trực tiếp. Ý kiến của cán bộ, công chức do cơ quan phối hợp cử tham gia được xem là ý kiến của Thủ trưởng cơ quan đó. Trường hợp phối hợp bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, nếu quá thời hạn quy định tham gia ý kiến mà đơn vị phối hợp không có ý kiến trả lời thì được xem là đồng thuận với ý kiến của cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm liên đới với cơ quan chủ trì.

Nội dung phối hợp bao gồm triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà Nước và các văn bản chỉ đạo của cấp trên. Xây dựng, tổ chức thực hiện đề án, chương trình, quy trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 05 năm và dài hạn. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vấn đề liên quan đến nhiều ngành theo quy định của Pháp luật. Thẩm định dự án. Dự thảo các văn bản trình UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi, bải bỏ hoặc ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh; hoặc để UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, các Bộ, ngành trung ương bổ sung, sửa đổi, bãi bỏ hoặc ban hành các cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực quản lý ngành. Phối hợp giải quyết các vấn đề khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành hoặc chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

Về phương thức phối hợp, tùy theo tính chất, nội dung và điều kiện cụ thể của công việc, cơ quan chủ trì quyết định việc áp dụng các phương thức phối hợp như lấy ý kiến bằng văn bản; tổ chức hội họp, hội nghị, hội thảo; khảo sát, điều tra; lập tổ chức phối hợp liên cơ quan (Ban Chỉ đạo, Tổ công tác) để triển khai thực hiện nội dung công việc.

Nguồn: Website UBND tỉnh Bình Định