Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiều thủ tục đăng ký rườm rà, cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp (DN) chỉ cần đăng ký thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Thay vì phải trực tiếp đến cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhiều thủ tục đăng ký rườm rà, cá nhân muốn thành lập doanh nghiệp (DN) chỉ cần đăng ký thông qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia.
Đây là một trong những nội dung mới trong Nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp (ĐKDN) vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ban hành ngày 15/4/2010, thay thế Nghị định số 88/2006/NĐ-CP. Quy định mới có hiệu lực thi hành từ 1/6/2010.
Cụ thể quy định việc đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử là Phòng Đăng ký kinh doanh tiếp nhận hồ sơ, xem xét hồ sơ, hướng dẫn sửa đổi, bổ sung hồ sơ và thông báo kết quả giải quyết thủ tục ĐKDN qua Hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia. Hồ sơ ĐKDN nộp qua Cổng thông tin ĐKDN quốc gia có giá trị pháp lý như hồ sơ nộp bằng bản giấy.
Trường hợp người thành lập doanh nghiệp chưa có chữ ký điện tử, việc ĐKDN qua mạng điện tử vẫn có thể được thực hiện theo quy trình: sau khi hồ sơ ĐKDN được chấp thuận trên hệ thống thông tin ĐKDN quốc gia, doanh nghiệp sẽ in Giấy xác nhận nộp hồ sơ ĐKDN qua mạng điện tử từ Hệ thống này. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký tên vào Giấy xác nhận nộp hồ sơ ĐKDN qua mạng điện tử và gửi đến Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Sau khi nhận được Giấy xác nhận nộp hồ sơ ĐKDN qua mạng điện tử của doanh nghiệp, Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh xem xét cấp Giấy chứng nhận ĐKDN cho doanh nghiệp.
Rút ngắn thời hạn cấp Giấy chứng nhận ĐKDN
Thay vì quy định 10 ngày như trước đây, Nghị định mới quy định, trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận ĐKDN cho doanh nghiệp, đăng ký thay đổi nội dung ĐKDN, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi doanh nghiệp, đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, thông báo lập địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
Nếu quá thời hạn trên mà không được cấp Giấy chứng nhận ĐKDN hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ ĐKDN thì người thành lập doanh nghiệp có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
5 thành phố thí điểm chuyển cơ quan ĐKKD cấp tỉnh thành đơn vị sự nghiệp có thu
Cơ quan ĐKKD được tổ chức ở cấp tỉnh và cấp huyện. Ở cấp tỉnh là Phòng ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Riêng TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có thể thành lập thêm 1 hoặc 2 cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh và được đánh số theo thứ tự. Việc thành lập thêm cơ quan ĐKKD cấp tỉnh do UBND thành phố quyết định.
Ở cấp huyện sẽ thành lập Phòng ĐKKD tại các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có số lượng hộ kinh doanh và hợp tác xã đăng ký thành lập mới hàng năm trung bình từ 500 trở lên trong 2 năm gần nhất. Trường hợp không thành lập Phòng ĐKKD cấp huyện thì UBND cấp huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ĐKKD.
Một điểm mới nữa trong Nghị định là việc quy định UBND 5 thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ sau khi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xem xét thí điểm chuyển cơ quan ĐKKD cấp tỉnh sang hoạt động theo hình thức đơn vị sự nghiệp có thu.
Ngoài ra, Nghị định còn có một số điểm mới như: doanh nghiệp đăng ký trùng tên với doanh nghiệp trước đó sẽ không phải đổi tên; mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một mã số duy nhất gọi là mã số doanh nghiệp, mã số này đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp; thống nhất lệ phí đăng ký trên toàn quốc; thống nhất một bộ hồ sơ ĐKDN duy nhất và một đầu mối tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả ĐKDN là cơ quan ĐKKD thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Nguồn: Website Chính Phủ