Hiện có hơn 20 doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện gió - một nguồn năng lượng sạch và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện gió hiện đắt hơn gấp đôi so với các nguồn điện truyền thống, và theo các doanh nghiệp, họ mong có được cơ chế hỗ trợ từ nhà nước.
Hiện có hơn 20 doanh nghiệp đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực điện gió - một nguồn năng lượng sạch và có nhiều tiềm năng. Tuy nhiên, giá thành sản xuất điện gió hiện đắt hơn gấp đôi so với các nguồn điện truyền thống, và theo các doanh nghiệp, họ mong có được cơ chế hỗ trợ từ nhà nước.
Ông Trần Tuấn Nam, Trưởng phòng đầu tư và phát triển dự án, Công ty cổ phần đầu tư HD ở Hà Nội, nói rằng dự án của công ty ông ở Ninh Thuận có công suất khoảng 97 MW với tổng vốn đầu tư khoảng 206 triệu đô la Mỹ. Điều ông còn băn khoăn hiện nay là giá thành điện gió cao hơn các nguồn điện khác từ 2 đến 2,5 lần, nên ông mong nhà nước có những sự hỗ trợ bằng một quỹ năng lượng sạch giúp “mua cao bán thấp” cùng với việc miễn giảm các loại thuế.
Ông Nam nói rằng mình không muốn chịu cảnh như nhà máy điện Tuy Phong ở Bình Thuận suốt mấy tháng nay phát điện lên lưới điện quốc gia nhưng vẫn chưa có giá mà chỉ bằng sự thỏa thuận rằng bên điện lực “ghi nợ” sản lượng điện của nhà máy này, và khi nào có biểu giá sẽ thanh toán. Cách làm như vậy theo ông là một sự rủi ro.
Còn ông Đào Ngọc Văn, Tổng giám đốc Công ty Văn Thanh ở Biên Hòa, Đồng Nai, cho hay doanh nghiệp ông đang sắp sửa có được giấy phép cho dự án đầu tư điện gió ở Ninh Thuận có công suất 120 MW của mình, nhưng hiện đang đau đầu vì giá điện gió vẫn chưa được quyết định.
Theo ông Văn, để đầu tư 1 MW điện gió chí ít cũng tiêu tốn 2 triệu đô la Mỹ. Vậy nhưng ông không quan ngại về vốn vì theo ông giới đầu tư nước ngoài đã sẵn sàng cho vay toàn bộ với lãi suất ưu đãi 2,5%. Điều ông lo là giá điện gió bao nhiêu để doanh nghiệp quyết định tiến hay lùi.
“Để doanh nghiệp có lãi, giá điện gió bán ra phải 10 cent một kWh, nhưng chúng tôi có thể chấp nhận mức giá 8 cent, vì chúng tôi còn có thể bán cơ chế phát thải, mà đã có nơi đề nghị mức giá 60 tỉ đồng'”, ông Văn nói.
Một chuyên viên cao cấp của quỹ đầu tư Dragon Capital tin tưởng vào tương lai của điện gió, và cho biết Dragon Capital sắp cho ra đời quỹ đầu tư môi trường, trong đó điện gió sẽ là một ưu tiên.
Theo chuyên viên này thì sớm muộn, nhà nước cũng sẽ tính toán một mức giá hợp lý, để bảo đảm doanh nghiệp có lãi. Điều ông nhắm tới đó là một cơ chế bắt buộc sử dụng năng lượng tái tạo trong các doanh nghiệp, cũng như nhà nước có thể hỗ trợ thêm bằng cách giảm mức thuế thu nhập doanh nghiệp, như chính sách miễn thuế nhập thiết bị đã được thực hiện.
“Chúng tôi là nhà đầu tư tư nhân, sẵn sàng bỏ vốn đầu tư nếu có cơ chế và chính sách rõ ràng”, vị chuyên viên trên nói.
Việc một loạt các nhà đầu tư mạnh dạn triển khai dự án điện gió, theo lý giải của các chuyên gia, đó là các nhà đầu tư tin tưởng đây là lĩnh vực nhà nước quan tâm và có chính sách hỗ trợ phát triển. Việc đi trước đón đầu sẽ giúp doanh nghiệp chủ động một khi chính sách đầu tư và giá cả rõ ràng.
Sự tiên phong của các doanh nghiệp điện gió cũng còn xuất phát từ chỗ doanh nghiệp sợ chậm chân khi thị trường trong nước có thể chứng kiến các doanh nghiệp nước ngoài nhảy vào chiếm chỗ.
Nguồn: TBKTSG online