Các tỉnh, thành trong Vùng VKTTĐMT: Liên kết, phát huy tiềm năng thế mạnh để cùng nhau phát triển
21/03/2010

 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí rất quan trọng không chỉ đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn của đất nước. Với diện tích 27.884 km2, dân số khoảng 6,2 triệu người và dự báo đến 2025 là 8,15 triệu người. Với chuỗi đô thị đang phát triển nằm trải dài trên 558 km bờ biển, đó là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế lớn như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội.

 

Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung có vị trí rất quan trọng không chỉ đối với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà còn của đất nước. Với diện tích 27.884 km2, dân số khoảng 6,2 triệu người và dự báo đến 2025 là 8,15 triệu người. Với chuỗi đô thị đang phát triển nằm trải dài trên 558 km bờ biển, đó là Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quy Nhơn và các khu kinh tế lớn như Chân Mây - Lăng Cô, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Bá Ân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, miền Trung có nguồn tài nguyên tương đối đa dạng, phong phú, có nhiền tiềm năng nổi trội về địa lý, tài nguyên và nhân lực; đã hình thành một hệ thống đô thị phân bố đều trên lãnh thổ và hệ thống các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch và dịch vụ.

Vùng kinh tế trọng điểm Miền Trung có trục kinh tế biển với hạ tầng phát triển, hiện đại, là trục xương sống công nghiệp của đất nước. Miền Trung sau khi hình thành trục kinh tế biển đã có những bước phát triển, sức đột phát chưa từng có. Khu vực này đang trên đường trở thành trục kinh tế biển hùng mạnh của cả nước - Tiến Sĩ Trương Đình Hiển, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Vật lý thành phố Hồ Chí Minh khẳng định.

Ông Hiển cũng cho rằng miền Trung có một lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng, đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đặc biệt là hệ thống cảng biển như Cảng Chân Mây, Đà Nẵng, Dung Quất.

Liên kết để phát triển

Lợi thế của các tỉnh, thành nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là vậy, nhưng nếu không liên kết để phát huy hết thế mạnh của mình, có hành động phối hợp định hướng thì cũng chỉ là những hạt cát rời rạc, không có sự kết dính. Liên kết nhằm đem lại lợi ích lớn hơn cho các bên tham gia.

Nhưng liên kết như thế nào? Liên kết trong lĩnh vực gì? Đó chính là vấn đề đặt ra cho các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tại diễn đàn. TS.Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Trung ương cho rằng, liên kết kinh tế vùng không chỉ là sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng mà cần phải có sự liên kết ngoại vùng, nghĩa là liên kết giữa các vùng với nhau, giữa các tỉnh vùng này và các tỉnh vùng khác. Theo ông Thiên, lợi thế lớn nhất của các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là vừa có biển, vừa có núi. Nếu biết liên kết những lợi thế này với lợi thế của các tỉnh khu vực Tây Nguyên thì sẽ hình thành một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh lớn.

Về vấn đề liên kết vùng, ông Lê Đăng Doanh - Chuyên gia cao cấp cho rằng, hiện nay các tỉnh trong khu vực miền Trung vẫn còn hoạt động độc lập, chưa có sự hợp tác, liên kết và bổ sung cho nhau. Chính điều đó đã làm hạn chế sự phát triển cũng như khả năng thu hút đầu tư của vùng so với các vùng kinh tế khác. Theo ông Doanh, lĩnh vực cần liên kết trước hết là tạo hệ thống thông suốt về vận tải, điện và viễn thông, liên kết giữa các doanh nghiệp, các loại dịch vụ trọng yếu, liên kết đào tạo và khoa học công nghệ. Ông Doanh cho rằng tạo liên kết để tận dụng hành lang Đông Tây và cần hành động một cách bền vững, chuyên nghiệp, chỉ có thế mới tạo được một thế mạnh thực sự cho cả vùng.

Cũng nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cao - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, du lịch cũng là một lĩnh vực quan trọng cần phải có sự liên kết của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong thời gian qua, du lịch miền Trung đã có những bước phát triển khá tốt, các địa phương đã có sự liên kết để thu hút khách đến, hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đã được tăng cường, tuy nhiên những điều đó so với tiềm năng vốn có (04 di sản văn hóa thế giới) của khu vực này vẫn chưa xứng tầm, còn manh mún, nhỏ lẻ. Ông nhấn mạnh, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp quan trọng có tính liên kết ngành, liên kết vùng và xã hội hóa cao, trong đó sự kết hợp, hợp tác giữa các vùng, miền giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm, đồng thời tạo ra những sản phẩm mới, độc đáo, hấp dẫn và mang đậm bản sắc văn hóa của từng địa phương. Điểm đến du lịch của một tỉnh khi đã có sự liên kết sẽ là điểm đến của du khách không chỉ với tỉnh đó mà xuyên suốt cả khu vực.

Để phát huy những thế mạnh của vùng nhằm tạo sự liên kết bền vững của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, theo ông Phùng Tấn Việt - Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, các tỉnh trong khu vực cần tăng cường và mở rộng liên kết kinh tế; nâng cao mức độ liên kết trong công nghiệp xuất khẩu giữa vùng chuyên môn hóa nguyên liệu và vùng chuyên môn hóa chế biến sản phẩm; nâng cao chất lượng liên kết giữa các tỉnh trong đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng liên tỉnh, mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ; hình thành các trung tâm và chuỗi du lịch - dịch vụ với con đường di sản văn hóa thế giới nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch.

Và còn nhiều những ý kiến đóng góp quý báu khác tại Diễn đàn vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Hy vọng, trong thời gian tới, các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ thống nhất và đưa ra kế hoạch hành động cụ thể, thiết thực và phù hợp với thực tiễn, góp phần quan trọng đưa cả khu vực miền Trung cất cánh, phát triển phồn thịnh.

 

Nguồn: www.quangngai.gov.vn