Làm rõ quy trình đầu tư
19/09/2008

 

Đó là mong muốn của nhiều nhà đầu tư về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều về hoạt động đầu tư tại Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đã qua 4 lần sửa đổi, lấy ý kiến góp ý.

 

Đó là mong muốn của nhiều nhà đầu tư về Dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều về hoạt động đầu tư tại Việt Nam đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, đã qua 4 lần sửa đổi, lấy ý kiến góp ý.

Trước hết phải nói rằng, nỗ lực của Ban soạn thảo là rất lớn khi thống kê có tới trên 100 vướng mắc khác nhau đang tồn tại trong hoạt động đầu tư. Tuy nhiên, các vướng mắc này đa phần không thể giải quyết ở tầm thông tư do nguyên nhân sâu xa của chúng nằm ở một số quy định tại văn bản luật, nghị định.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thành viên Ban soạn thảo, cả 5 văn bản luật đang chứa đựng các quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhau trong hoạt động đầu tư gồm: Luật Đất đai, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp. Nếu không sửa đổi, bổ sung cùng một lúc các văn bản này, kỳ vọng giải toả toàn bộ vướng mắc liên quan đến hoạt động đầu tư sẽ không thể đạt được và mong muốn tạo thêm điều kiện thuận lợi trong hoạt động đầu tư kinh doanh của nhà đầu tư từ phía Ban soạn thảo cũng bị hạn chế rất lớn.

Tuy nhiên, cũng chính vì vấn đề này, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn quản lý và đào tạo (VFAM Việt Nam) đề nghị, nội dung của Thông tư hướng dẫn nên đi vào làm rõ trình tự, thủ tục đầu tư tại Việt Nam cùng với các biểu mẫu cụ thể, thay vì cố gắng thực hiện mục tiêu giải quyết một số vướng mắc trong hoạt động đầu tư. “Các nội dung hướng dẫn cần làm rõ các quy định liên quan không chỉ với các nhà đầu tư nước ngoài, bởi các nhà đầu tư trong nước cũng không phải gặp toàn thuận lợi”, ông Tiền đề xuất.

Liên quan đến các điều kiện đầu tư do nhà đầu tư tự giải trình, Dự thảo Thông tư quy định, giải trình về điều kiện đầu tư là một văn bản riêng lẻ gửi kèm trong hồ sơ dự án đầu tư hoặc được giải trình trong Văn bản đề nghị cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Trong khi đó, ông Tiền cho rằng, nhà đầu tư cần biết rõ giải trình về điều kiện đầu tư là loại văn bản gì. “Đó là báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án đầu tư hay giải trình kinh tế kỹ thuật của dự án đầu tư? Nếu đúng là các văn bản đó thì yêu cầu hồ sơ kèm theo gồm những gì, có cần thiết kế kỹ thuật, có cần chứng minh về vùng nguyên liệu, có cần báo cáo đánh giá tác động môi trường không?”, ông Tiền đặt ra nhiều câu hỏi.

Đặc biệt, các doanh nghiệp đều quan tâm đến mẫu văn bản liên quan. Luật sư Lê Nga (Công ty Luật Kinh Bắc) đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thiết kế và sớm ban hành các mẫu văn bản có liên quan, đảm bảo cho các nhà đầu tư ngay lập tức có thể thực hiện theo một cách thống nhất. “Không thể để tình trạng văn bản đã ra, nhưng mỗi nơi thực hiện một cách do phải chờ hướng dẫn tiếp”, bà Lê Nga băn khoăn khi thông tư đưa ra yêu cầu về báo cáo năng lực tài chính do nhà đầu tư tự lập và tự chịu trách nhiệm.

Đòi hỏi này từ các doanh nghiệp xuất phát từ chính thực tế hoạt động đầu tư hiện tại. Luật sư Lê Nga than phiền khá nhiều về tình trạng cho dù luật pháp quy định các cơ quan chính quyền không đòi hỏi thêm các văn bản khác ngoài quy định khi nhà đầu tư tiến hành thực hiện các thủ tục hành chính, song thực tế hoàn toàn trái ngược. Đơn cử, nhiều địa phương vẫn yêu cầu nhà đầu tư cung cấp xác nhận tài khoản ngân hàng hoặc sổ tiết kiệm khi làm thủ tục đầu tư có tỷ lệ vốn góp nước ngoài trên 49%.

“Điều này gây khó khăn rất lớn cho các đơn vị tư vấn như chúng tôi khi giải thích với khách hàng, nhất là với các khách hàng yêu cầu phải nêu ra các điều luật cụ thể”, bà Lê Nga phân tích. Ngoài ra, với các nhà đầu tư nước ngoài, khá nhiều câu hỏi vẫn đang ở dạng “treo”. Ông Fred Burgke, luật sư điều hành Công ty Luật Baker & McKenzie đã đưa ra những nội dung cần được bổ sung vào Dự thảo Thông tư như quy định rõ về chủ thể đầu tư nước ngoài, cụ thể là đầu tư của các cá nhân nước ngoài hoặc các tổ chức nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; các điều kiện đầu tư, thủ tục đăng ký và thẩm định áp dụng trong các trường hợp phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 50% trở lên...

Nguồn: Báo Đầu tư