Trong khi các văn bản quy định pháp lý về đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP (Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư cơ sở hạ tầng) đang được Chính phủ cho xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm nay, Bộ GTVT đã chủ động đưa ra danh sách kêu gọi đầu tư theo mô hình PPP đối với 10 dự án lớn về đầu tư xây dựng đường cao tốc, với tổng số vốn lên đến trên 10 tỉ USD. Bởi theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì đây sẽ là xu hướng chủ yếu để đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Trong khi các văn bản quy định pháp lý về đầu tư cơ sở hạ tầng theo mô hình PPP (Nhà nước và tư nhân cùng đầu tư cơ sở hạ tầng) đang được Chính phủ cho xây dựng, dự kiến sẽ hoàn thành vào giữa năm nay, Bộ GTVT đã chủ động đưa ra danh sách kêu gọi đầu tư theo mô hình PPP đối với 10 dự án lớn về đầu tư xây dựng đường cao tốc, với tổng số vốn lên đến trên 10 tỉ USD. Bởi theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng thì đây sẽ là xu hướng chủ yếu để đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian tới.
Nhà nước và tư nhân trong quan hệ đối tác
Theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông: “Phải gọi PPP (mô hình hợp tác công - tư) là quan hệ đối tác mới đúng, chứ nếu chúng ta dùng từ hợp tác, rồi dùng từ nhà nước hỗ trợ là không đúng ở đây. Không có chuyện hỗ trợ. Bản chất của PPP, phải gọi đúng là Parnership, tức là quan hệ đối tác. Giống như là một quan hệ hôn nhân, trong quan hệ ấy là trách nhiệm có, nghĩa vụ có, lợi ích ngang bằng với nhau”.
Định nghĩa chuẩn của ông Tony Pellegrinin - chuyên gia của Ngân hàng thế giới (WB): PPP là hợp đồng được ký kết giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với nhà đầu tư tư nhân nhằm xây dựng công trình, cung cấp dịch vụ với một số tiêu chí riêng. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ lập danh mục dự án ưu tiên đầu tư PPP hằng năm và tiến hành đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư trong nước, nước ngoài đủ năng lực, kinh nghiệm nhất.
Đầu tư theo mô hình PPP như vậy chỉ mới chứng minh thành công ở một số nước phát triển, những nơi năng lực quản lý của cơ quan công quyền rất phát triển, như là Anh quốc, Hàn Quốc, Nam Phi. Riêng trường hợp Úc, có bang thành công, bang không.
Các nước bạn trong khu vực cũng chưa đi xa hơn chúng ta bao nhiêu.
Chia sẻ trách nhiệm, rủi ro
Trên cơ sở đề nghị của Chính phủ Việt Nam, trong hai năm nay, WB đã phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư và một số bộ liên quan xây dựng hệ thống tài trợ dự án khung thể chế PPP theo định hướng thị trường và giúp triển khai một số dự án thí điểm.
Theo ông Kamran Khan - chuyên gia cao cấp dự án, dự kiến Chính phủ sẽ ban hành khung thể chế PPP vào tháng 9/2010, làm cơ sở pháp lý tiến hành các dự án thí điểm. Vụ trưởng Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch - Đầu tư) Nguyễn Trọng Tín cho biết, nhóm nghiên cứu cũng mạnh dạn đề xuất cho phép các dự án PPP thí điểm được sử dụng các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách, kể cả vốn ODA, để chuẩn bị đầu tư và tổ chức đấu thầu cạnh tranh.
Đặc biệt, chuyên gia cao cấp của WB, ông Pratyush Prashant thông báo, nhóm nghiên cứu khung thể chế đã đề xuất, trong giai đoạn ban đầu, mỗi dự án PPP sẽ được Chính phủ đóng góp tài chính tối đa 30% (hoặc lên tới 50% đối với trường hợp đặc biệt), không tính lãi nhằm khuyến khích khu vực tư nhân mạnh dạn đầu tư hơn. Đối với nhà đầu tư, tỷ lệ góp cổ phần tối thiểu phải là 20% trên tổng vốn đầu tư của dự án, trong đó 10% là vốn của mình.
10% kia có thể huy động từ doanh nghiệp nhà nước, quỹ đầu tư, tổ chức tài chính quốc tế. Phần còn lại là vốn vay từ các nguồn khác. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền có thể bổ nhiệm giám đốc trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp nhằm giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, quản lý dự án.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết: Vòng đời mỗi công trình PPP kéo dài 20 - 30 năm nên nhóm nghiên cứu phải đưa ra những quy định nhằm xác định rất rõ ràng tính khả thi và rủi ro của dự án, trách nhiệm của mỗi bên liên quan (đặc biệt là phần tham gia của Nhà nước), biện pháp xử lý rủi ro... đảm bảo minh bạch theo đúng chuẩn mực quốc tế.
Thứ trưởng Thường trực Ngô Thịnh Đức cho rằng, với những khó khăn thực tế về khả năng hoàn vốn của các dự án đường cao tốc, việc cho phép nhà đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay của WB thông qua hình thức PPP được coi là phương án huy động hiệu quả và khả thi nhất do nguồn vốn có lãi suất thấp, thời gian vay dài, giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án, đồng thời sẽ hạn chế được yêu cầu hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước.
Hứa hẹn đột phá
Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Victoria Kwakwa nhấn mạnh, khung thể chế Hợp tác Nhà nước - tư nhân (PPP) đang hoàn thiện sẽ tạo bước đột phá trong việc huy động vốn tư nhân vào cơ sở hạ tầng.
Quan điểm của nhóm chuyên gia dự án xây dựng thể chế của WB là làm thí điểm trước, làm đúng chuẩn mực. Ngay từ dự án đầu tiên, phải làm rất thành công để những dự án thí điểm ấy tạo tiếng vang, tạo được sự đồng thuận của các cơ quan công quyền trong nước, sự đồng thuận của xã hội, cũng như các định chế tài chính, của khu vực tư nhân trong nước và nước ngoài.
Hiện Chính phủ đã đồng ý lựa chọn hai dự án đường cao tốc (ĐCT) đoạn Dầu Giây - Phan Thiết và Ninh Bình - Thanh Hóa áp dụng thí điểm đầu tư theo mô hình PPP. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, vào cuối tháng 2/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công hàm số 1076/BKH - KCHT&ĐT gửi Ngân hàng Thế giới (WB) đề nghị hỗ trợ tài chính cho 2 dự án hạ tầng trọng điểm thí điểm nói trên.
Liên quan tới công tác huy động vốn cho Dự án này, bên cạnh nguồn vốn tự có của nhà đầu tư (khoảng 1.400 tỷ đồng, tương đương 10% tổng mức đầu tư), Bitexco đã lên sẵn 2 phương án huy động vốn. Một mặt, Bitexco đã làm việc với các tổ chức tín dụng lớn, các doanh nghiệp mạnh trong và ngoài nước để tài trợ vốn hoặc tham gia với tư cách là cổ đông trong công ty cổ phần BOT do Bitexco đứng đầu. Mặt khác, Bitexco cũng chủ động nghiên cứu, tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi và dài hạn từ các nhà tài trợ quốc tế, trong đó có WB, thông qua mô hình PPP.
Ông Vũ Tuấn Thuấn - thành viên HĐQT, Phó TGĐ tập đoàn Bitexco cho biết, nếu không có gì thay đổi, Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 100 km, 4 làn xe có tổng mức đầu tư lên tới 14.355 tỷ đồng sẽ được khởi công xây dựng vào cuối năm 2010.
Hiện tại, ngoài 2 dự án đường bộ cao tốc kể trên, Bộ GTVT đã lên sẵn danh sách 8 dự án hạ tầng khác kêu gọi vốn đầu tư của các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước theo phương thức PPP. Đó là các dự án xây dựng ĐCT Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Mỹ Thuận - Cần Thơ, Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Dầu Giây - Đà Lạt, Bến Lức - Long Thành, xây dựng cảng quốc tế Hải Phòng và xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.
Theo ông Hà Khắc Hảo, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Bộ GTVT, Bộ đang kiến nghị Chính phủ bố trí đủ kinh phí cho công tác chuẩn bị cho các dự án PPP nói trên để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền có đủ dữ liệu cần thiết về phương án tài chính, mức hỗ trợ tài chính chi tiết làm cơ sở mời thầu và đàm phán với các nhà đầu tư.
Để cùng với việc Chính phủ sớm ban hành một khung pháp chế hoàn chỉnh và bao quát về cơ chế đầu tư, huy động vốn theo phương thức PPP, Bộ GTVT có thể bắt tay xúc tiến đàm phán những hợp đồng PPP đầu tiên.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn