Cam kết ODA lớn nhất từ trước tới nay
07/12/2009

 

Chiều ngày 4/12/2009, Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) bế mạc. Số vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được công bố tại phiên bế mạc đã đạt mức kỷ lục mới.

Cam kết ODA đạt hơn 8 tỷ USD

 

Chiều ngày 4/12/2009, Hội nghị thường niên Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) bế mạc. Số vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) được công bố tại phiên bế mạc đã đạt mức kỷ lục mới.

Cam kết ODA đạt hơn 8 tỷ USD

Tổng số vốn ODA cam kết dành cho Việt Nam trong năm 2010 đến từ 9 quốc gia tài trợ trực tiếp, 15 quốc gia thuộc Cộng đồng chung Châu Âu (EU), và 5 tổ chức phát triển đạt con số kỷ lục, trên 8,06 tỷ USD.

Trong 5 tổ chức phát triển, Ngân hàng Thế giới (WB) là nhà tài trợ lớn nhất cho Việt Nam, với gần 2,5 tỷ USD; tiếp đến là Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), với gần 1,5 tỷ USD.

Về phía các quốc gia tài trợ trực tiếp cho Việt Nam, Nhật Bản vẫn là quốc gia tài trợ quan trọng nhất, với 1,64 tỷ USD. Tổng cộng 15 nhà tài trợ thuộc EU cam kết tài trợ trên 1,08 tỷ USD trong năm tới.

Như vậy, năm 2010 cam kết ODA dành cho Việt Nam sẽ đạt con số lớn nhất kể từ trước tới nay. Trước đó, kỷ lục cam kết ODA công bố tại Hội nghị CG thuộc về năm 2007, với 5,426 tỷ USD. Năm 2009, cam kết ODA đưa ra tại Hội nghị CG đạt 5,015 tỷ USD. Nếu tính thêm “cam kết muộn” của Nhật Bản, con số chính thức của năm 2009 là 5,914 tỷ USD.

Bên lề Hội nghị CG, trả lời báo chí chiều 3/12, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, ODA là nguồn vốn quan trọng đối với Việt Nam; các nhà đầu tư sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi biết chính phủ của họ tăng thêm viện trợ cho Việt Nam.

"Như vậy, vốn ODA có tác dụng tốt, kích thích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng đối với tình trạng căng thẳng trên thị trường ngoại hối trong thời gian gần đây", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói .

Giải ngân đã tốt hơn

Bình luận về con số cam kết ODA kỷ lục của năm 2010, Bộ trưởng Phúc nói: “Chúng tôi rất phần khởi với con số cam kết ODA lớn của năm 2010, tuy nhiên, vấn đề giải ngân cũng cần được quan tâm. Chính vì giải ngân tốt trong hai năm vừa qua, nên Việt Nam nhận được sự ủng hộ nhiều hơn, thể hiện trong cam kết lần này”.

Trước đó, theo con số được công bố trong báo cáo của Chính phủ, được trình bày trước các nhà tài trợ hôm khai mạc Hội nghị CG, vốn ODA ký kết năm 2009 có thể đạt 5,85 tỷ USD; giải ngân các nguồn vốn này dự kiến đạt khoảng 3 tỷ USD, trong đó có 300 triệu USD viện trợ không hoàn lại. Đây cũng là một kỷ lục khác về ODA từ trước đến nay.

Trả lời câu hỏi liên quan đến đánh giá của các nhà tài trợ đối với tiến độ giải ngân các dự án của phóng viên VnEconomy, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cũng cho biết, tốc độ giải ngân các dự án thuộc nguồn vốn ODA của WB đã tốt hơn.

Thêm vào ý kiến của cấp lãnh đạo của mình, ông Martin Rama, Chuyên gia kinh tế trưởng WB thông báo, những đánh giá độc lập tại 30 dự án của WB đều nhận được sự hài lòng về tốc độ giải ngân từ các bên liên quan. Các vấn đề vẫn gặp phải trước đây như giải phóng mặt bằng chậm, khó khăn trong khâu bồi thường, chậm vốn từ phía nhà tài trợ… đều được cải thiện tốt hơn trong năm 2009.

Lãi suất sẽ thay đổi

Liên quan đến lãi suất các khoản vay ODA năm 2010, được cho là sẽ cao hơn trước do Việt Nam đã thoát ngưỡng nước có thu nhập thấp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, các khoản vay ODA hiện nay vẫn nằm trong ngưỡng lãi suất ưu đãi ODA, không phải các khoản vay thương mại.

Riêng viện trợ không hoàn lại, Bộ trưởng Phúc cho biết, các nhà tài trợ cam kết dành cho Việt Nam khoảng 1,4 tỷ USD, trong đó nhiều khoản vay loại này cũng đã được xác định như: 98,6 triệu USD viện trợ của Australia; 83 triệu USD từ Anh; 138,2 triệu USD của Hoa Kỳ; Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 80 triệu USD; Hàn Quốc cũng có một phần viện trợ không hoàn lại…

Trong khoảng 6,6 tỷ USD còn lại, chủ yếu vẫn là các khoản vay với lãi suất ưu đãi, tuy nhiên, con số cụ thể, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn chưa được phân định chi tiết.
“Các nhà tài trợ vẫn tiếp tục ủng hộ Việt
Nam trong các vấn đề liên quan đến môi trường, tác động từ biến đổi khí hậu toàn cầu… Bên cạnh đó, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng cũng tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, lãi suất có thể thay đổi”, Bộ trưởng Phúc cho biết.

Nguồn: VnEconomy