Tư nhân có thể tiếp cận vốn ODA
06/12/2009

 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, Bộ này đang xây dựng đề án về mô hình hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân (PPP), với mục tiêu thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, Bộ này đang xây dựng đề án về mô hình hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân (PPP), với mục tiêu thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, sẽ áp dụng biện pháp hậu kiểm để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn ODA.

Về các lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA trong năm 2010, bên cạnh tập trung cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng quy mô lớn, còn dành cho việc ứng phó với biến đổi khí hậu.

Theo bà Victoria Kwakwa - Giám đốc WB tại Việt Nam, đây là một phạm trù mới, có phạm vi rộng, liên quan đến đa ngành, đa lĩnh vực, liên vùng, đòi hỏi cao về tài lực, vật lực trong quá trình thực hiện. Việt Nam cần tiếp tục được giúp đỡ từ các nước phát triển, không chỉ là vấn đề hỗ trợ kỹ thuật mà còn hỗ trợ về tài chính, chuyển giao công nghệ.

Không lo thiếu tiền trả nợ

Hội nghị Nhóm tư vấn các Nhà tài trợ cho Việt Nam 2009 (CG 2009) bế mạc ngày 4-12 với số vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết cho Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 8,63 tỷ USD, trong đó có 1,4 tỷ USD là tài trợ không hoàn lại. Dẫn đầu danh sách tài trợ ODA năm 2010 cho Việt Nam là Ngân hàng Thế giới (WB) với gần 2,5 tỷ USD.

Theo lý giải của bà Victoria Kwakwa, WB nâng mức tài trợ ODA là vì trong năm 2009, Việt Nam đã chứng tỏ cho các nhà tài trợ khả năng giải ngân nguồn vốn này.

Xếp thứ hai trong bảng danh sách là Nhật Bản với 1,64 tỷ USD; tiếp theo là Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB (1,479 tỷ USD); Liên minh Châu Âu (EU) xếp thứ ba với 1,082 tỷ USD. 

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Võ Hồng Phúc cũng cho rằng, sở dĩ mức cam kết ODA cao hơn năm ngoái là do tốc độ giải ngân vốn ODA được cải thiện.

Theo Bộ trưởng Phúc, trong số hơn 8 tỷ USD vốn cam kết, có 1,4 tỷ USD tài trợ không hoàn lại và đây cũng là mức kỷ lục từ trước đến nay.

Một số nước có vốn ODA tài trợ không hoàn lại cao như Mỹ - chủ yếu viện trợ cho phát triển lĩnh vực y tế (138,18 triệu USD); Úc ( hơn 123 triệu USD); Nhật Bản (80 triệu USD); Anh (50 triệu bảng)...

Tại buổi họp báo sau lễ bế mạc, trả lời câu hỏi “Tổng mức vốn vay hiện cao hơn tổng thu ngân sách nhà nước, liệu Việt Nam có bị chậm nợ các nước?”, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, nợ cao song vẫn ở dưới mức an toàn cho phép và nằm trong khả năng trả nợ của Việt Nam.

“Việt Nam vẫn trả nợ theo đúng cam kết và chưa hề chậm nợ một nước nào” - Bộ trưởng Phúc nói.

Cùng quan điểm này, ông Ayumi Kinishi - Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng, nguồn vốn ODA thường tập trung vào các dự án lớn, nhất là các dự án về cơ sở hạ tầng nên sẽ có doanh thu, và vì thế, Việt Nam chắc chắn không phải lo thiếu tiền để trả nợ.

Sau khi cam kết với các nhà tài trợ sẽ sử dụng nguồn vốn ODA hiệu quả, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, hội nghị giữa kỳ sắp tới sẽ được tổ chức tại huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang - một trong những địa phương chịu tác động lớn do biến đổi khí hậu để kêu gọi các nhà tài trợ tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này. 

 

Nguồn: Tiền Phong Online