Khai mạc Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ I
21/11/2009

 

Hôm nay 21/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ I sẽ diễn ra với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 900 kiều bào trở về từ 52 nước và vùng lãnh thổ.

 

Hôm nay 21/11 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội), Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) lần thứ I sẽ diễn ra với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 900 kiều bào trở về từ 52 nước và vùng lãnh thổ.

Với chủ đề "Vì một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước", Hội nghị là diễn đàn tập trung trí tuệ và sáng kiến, huy động mọi nguồn lực của cộng đồng NVNONN đóng góp cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.    

Kiều bào đang hướng về Tổ quốc

Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, trong gần 4 triệu người Việt đang sinh sống, lao động, học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ, có khoảng 300 ngàn người có trình độ đại học trở lên. Do sự phát triển của bản thân cộng đồng và xu thế hội nhập quốc tế, số lượng NVNONN đang ngày càng tăng lên với cơ cấu, thành phần đa dạng hơn. Hầu hết kiều bào có tinh thần tự tôn dân tộc, gắn bó với người thân trong nước và hướng về quê hương; đa số hoan nghênh chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng và Nhà nước ta và có cách nhìn tích cực đối với công cuộc xây dựng đất nước.

Từ khi có Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ ngày 23/6/2004, công tác đối với NVNONN đã chuyển sang giai đoạn mới. Các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết các chính sách liên quan đến NVNONN như đầu tư, kinh doanh, kiều hối, ngân hàng, quốc tịch, nhà ở, thị thực nhập xuất cảnh, cư trú, hồi hương… đã được ban hành và thực hiện theo hướng ngày càng tạo thuận lợi cho kiều bào. Chủ trương đẩy mạnh hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc từng bước được triển khai có hiệu quả. Hàng năm có khoảng 500.000 lượt kiều bào về thăm quê hương, đóng góp chuyên môn, đầu tư, kinh doanh, giao lưu văn hoá, nghệ thuật, thể thao, tham gia hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đỡ đồng bào trong nước…

Để thành tựu xứng với tiềm năng…

Nhìn chung, thành tựu đạt được trong công tác đối với NVNONN thời gian qua là rất lớn. Tuy nhiên, thực tế đã nổi lên một số tồn tại cần được sớm giải quyết, như: Hàng năm chỉ có khoảng trên 200 lượt trí thức kiều bào về nước hợp tác, đóng góp về chuyên môn như: tham gia giảng dạy, hợp tác nghiên cứu, hội thảo khoa học… Chất lượng đóng góp về mặt chuyên môn của trí thức kiều bào cần được các Bộ, ngành xem xét, đánh giá thêm nhưng số lượng 200 lượt trí thức về nước làm việc mỗi năm trong tổng số hơn 300.000 trí thức kiều bào là rất nhỏ bé.

Những năm qua, số kiều bào về nước tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh tăng đáng kể, nhưng đến nay mới có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỉ USD, trong đó khoảng 2/3 dự án làm ăn có hiệu quả, chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực xây dựng, nuôi trồng thủy sản, may mặc, khách sạn, dịch vụ du lịch…  Ủy ban Nhà nước về NVNONN cho rằng, so với tiềm lực kinh tế hiện nay của cộng đồng thì số vốn mà kiều bào đầu tư về nước còn rất thấp, manh mún, bó hẹp trên một số lĩnh vực…

Một vấn đề rất quan trọng hiện nay là ở hầu hết các địa bàn, nhất là ở những cộng đồng có 3-4 thế hệ cùng chung sống, đang diễn ra sự giằng co gay gắt giữa một bên là nhu cầu hội nhập để ổn định cuộc sống với một bên là nhu cầu giữ gìn bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc, đặc biệt việc duy trì tiếng Việt cho thế hệ trẻ sinh trưởng ở nước ngoài đang là một thách thức rất lớn. Nhu cầu về sinh hoạt tâm linh trong cộng đồng cũng ngày càng phát triển phức tạp; các thế lực xấu đang tìm cách lợi dụng lôi kéo bà con vào các hoạt động làm hại đất nước.

Ở một số địa bàn như Mỹ, Australia…, đa số kiều bào vẫn dành tình cảm hướng về quê hương nhưng vì không muốn bị các phần tử phản động quấy phá để yên ổn làm ăn nên ít bộc lộ thái độ, thường có tâm lý tránh né, chưa dám công khai phản đối các hành động đi ngược lại lợi ích của cộng đồng và đất nước. Đây là những vấn đề sẽ được trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp hữu hiệu tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất.

Tại Hội nghị, đại biểu kiều bào sẽ có cơ hội bày tỏ suy nghĩ và đóng góp ý kiến với lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các Bộ, ngành chủ chốt qua 4 hội nghị chuyên đề là: Xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đoàn kết vững mạnh, thành đạt và hướng về đất nước; Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá và truyền thống dân tộc trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Chuyên gia, trí thức kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước và doanh nhân kiều bào góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.

 

Nguồn: CAND Online