Đồng chí Vũ Hoàng Hà, Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy: Khu Kinh tế Nhơn Hội cần tăng tốc hơn nữa
24/11/2008

 

Giữa tháng 11 vừa qua, đồng chí Vũ Hoàng Hà đã dẫn đầu Đoàn đại biểu  cấp cao tỉnh Bình Định sang thăm một số tỉnh phía nam Trung Quốc và tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) tại đây. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hoàng Hà về kết quả của chuyến công tác nói trên.

 

Giữa tháng 11 vừa qua, đồng chí Vũ Hoàng Hà đã dẫn đầu Đoàn đại biểu  cấp cao tỉnh Bình Định sang thăm một số tỉnh phía nam Trung Quốc và tham gia các hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) tại đây. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn đồng chí Vũ Hoàng Hà về kết quả của chuyến công tác nói trên.

* Xin cho biết đánh giá của đồng chí Bí thư về kết quả chuyến công tác?

- Trước khi đi XTĐT tại thành phố Quảng Châu, Thẩm Quyến (tỉnh Quảng Đông) và Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc) ta và bạn đã thống nhất chương trình và kế hoạch trước. Tuy nhiên, khi sang đến nơi chúng tôi thật sự bất ngờ trước sự chuẩn bị hội nghị rất chu đáo, bài bản và quy mô hoành tráng của các đơn vị thực hiện. UBND tỉnh Bình Định và Công ty TNHH MTV Hong Yeung Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị XTĐT và chúng ta đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Sở Ngoại vụ 2 tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, cũng như Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại 2 tỉnh này. Công ty Hong Yeng phối hợp với một nhà tổ chức chuyên nghiệp quốc tế để tổ chức hội nghị. Hội nghị đã đạt được kết quả vượt quá mong muốn của chúng ta.

Ở Quảng Châu, khi nghe Công ty Hong Yeung nói sẽ có hơn 400 nhà đầu tư đăng ký tham gia hội nghị, tôi cũng hơi hoài nghi, nhưng tại hội nghị đã có gần 500 nhà đầu tư tham dự, kể cả các nhà đầu tư đến từ Quảng Tây và Tứ Xuyên. Điều đặc biệt là so với các cuộc XTĐT khác, tại Hội nghị XTĐT lần này các đại biểu tham dự rất thiện chí hợp tác; thể hiện qua việc đại biểu tham dự rất đông, đưa ra nhiều câu hỏi rất thiết thực, cụ thể, chi tiết; chứng tỏ các nhà đầu tư đó rất quan tâm đến môi trường đầu tư tại Bình Định. Đoàn đi lần này, ngoài tôi ra còn có các cộng sự, đại diện chính quyền và Ban Quản lý Khu Kinh tế Nhơn Hội (KKTNH), chúng tôi đã phối hợp với nhau khá nhịp nhàng để giải đáp các thắc mắc, nhu cầu của các nhà đầu tư. Ngoài các hợp đồng đã được ký kết tại hội nghị, rất nhiều nhà đầu tư đã đăng ký sang Bình Định trong thời gian sắp tới để tìm hiểu cụ thể cơ hội đầu tư.

Tôi đã có dịp đến Thẩm Quyến nhiều lần, nhưng những lần trước chỉ đi để nghiên cứu, học tập. Lần này hoạt động XTĐT của chúng ta tại đây đã được chính quyền và giới đầu tư của thành phố năng động vào bậc nhất thế giới này rất quan tâm. Chính quyền Thẩm Quyến đã chủ động đưa ra đề nghị là Thẩm Quyến và Bình Định cần tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn. Cụ thể, 2 bên cần tăng cường tổ chức các đoàn công tác để đẩy mạnh hoạt động hợp tác phát triển. Chúng tôi khá bất ngờ là Tập đoàn điện tử Abestech đã nghiên cứu rất kỹ về Bình Định và tỏ rõ quyết tâm đầu tư vào KKTNH. Điều này nhằm khởi động chiến lược quy mô của tập đoàn này để mở rộng phạm vi ảnh hưởng ra toàn vùng ASEAN mà Bình Định sẽ là điểm tựa quan trọng trong kế hoạch đó.

Tập đoàn này đã ký hợp đồng thuê đất tại khu công nghiệp B với Công ty Hong Yeung và sẽ khởi động dự án trong thời gian tới. Chúng ta đã tìm được “tiếng nói chung” với nhà đầu tư này vì đây là lĩnh vực sản xuất các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao mà KKTNH ưu tiên thu hút đầu tư. Còn nhà đầu tư này xem KKTNH là cứ điểm quan trọng vì đây là trung tâm của một thị trường rộng lớn với các ưu thế về mọi mặt, đặc biệt là giao thông. Trước mắt, nhà đầu tư này sẽ đầu tư tại đây một dự án quy mô nhỏ, sau đó tuỳ thuộc vào nhu cầu của thị trường để mở rộng đầu tư.

Khi đến Quảng Tây, chúng ta đã tiếp xúc với Tập đoàn Nông Khẩn. Đây là một tập đoàn vừa mang tính quản lý nhà nước vừa quản lý các doanh nghiệp trực thuộc. Đây cũng là một mô hình quản lý khá độc đáo của Trung Quốc. Nông Khẩn là một tập đoàn lớn, có tiềm lực mạnh, hoạt động trên nhiều lĩnh vực. Tập đoàn này đã đến Bình Định rất nhiều lần để tìm kiếm cơ hội đầu tư và đang có nhiều dự định tại tỉnh ta. Lần này chúng ta đã ký hợp tác với họ trong việc đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến sâu sản phẩm tinh bột mì quy mô lớn, khởi đầu cho các dự án tiếp theo.

* Các đề nghị hợp tác của lãnh đạo Quảng Đông và Quảng Tây có được đồng chí quan tâm?

- Chúng tôi đánh giá cao sự quan tâm hợp tác của lãnh đạo và các nhà đầu tư của Quảng Đông và Quảng Tây. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của 2 tỉnh này đã chủ động đặt vấn đề hợp tác toàn diện với Bình Định. Thực ra, trước khi đi chúng tôi đã xác định Bình Định so với Quảng Đông và Quảng Tây thì quy mô rất nhỏ và kinh tế chậm phát triển hơn rất nhiều. Tuy nhiên, họ lại không phân biệt điều đó và rất bình đẳng, xem việc hợp tác phát triển toàn diện vì lợi ích chung của 2 tỉnh và nhân dân mỗi địa phương là yêu cầu tất yếu khách quan.

Tại Quảng Châu, Thẩm Quyến và Nam Ninh, lãnh đạo chính quyền ở đây đều đưa ra yêu cầu không chỉ tăng cường hợp tác về kinh tế mà còn xem trọng các mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Đặc biệt tại Quảng Tây, đồng chí Bí thư Khu ủy đặt vấn đề ngoài Tập đoàn Nông Khẩn hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực nuôi trồng, khai thác chế biến nông-lâm-thủy sản... còn cần thiết hợp tác giao lưu văn hóa, du lịch, thương mại và dịch vụ.

Tại Thẩm Quyến, đồng chí Phó Chủ tịch thành phố này còn đề nghị các nhà đầu tư nên xây dựng một khu công nghệ cao mang tên Thẩm Quyến tại KKTNH như là thành phố Thẩm Quyến đã làm tại Hải Phòng. Tôi cho rằng đây là một gợi ý hay mà chúng ta cần nghiên cứu thực hiện. Tôi đã có lời mời lãnh đạo các địa phương này và giới đầu tư tại đây đến thăm Bình Định để tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh ta, cụ thể là khảo sát khả năng thực hiện ý tưởng nói trên và họ đã vui vẻ nhận lời. Tôi cũng cho rằng nên có nhiều khu công nghệ cao mang tên các địa phương có nền kinh tế phát triển phía nam Trung Quốc, là vùng Hoa Nam (bao gồm Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam và Quảng Tây) vì điều đó không chỉ thể hiện mối quan hệ hợp tác đầu tư có lợi đôi bên về lĩnh vực kinh tế, mà còn biểu hiện cho mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai tỉnh và nhân dân hai tỉnh.

* Như vậy sắp tới làn sóng đầu tư vào KKTNH từ nước ngoài sẽ rất dồn dập. Chúng ta cần có những sự chuẩn bị gì, thưa đồng chí Bí thư?

- Nói dồn dập thì cũng chưa hẳn. Vì so với trong cả nước, Bình Định ta chưa hẳn đã là điểm hấp dẫn thu hút đầu tư hơn hẳn, nhưng điều chắc chắn là họ sẽ đến với Bình Định. Do vậy, trước hết cần xác định rõ rằng mục tiêu quan trọng nhất hiện nay đối với KKTNH là phải nỗ lực tối đa hoàn thành toàn bộ các công trình hạ tầng thiết yếu bảo đảm chất lượng cao trong thời gian ngắn nhất. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các dự án đã chậm tiến độ như cấp-thoát nước, viễn thông, cấp điện, xử lý chất thải rắn, trồng rừng cảnh quan... Bên cạnh đó, phải khởi động sớm các dự án phụ trợ như nâng cấp, mở rộng đường từ sân bay Phù Cát đến KKTNH, tăng tần suất bay đến Bình Định từ cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trước hết, cần xác định được đâu là mục tiêu quan trọng để thực hiện đồng bộ và quyết liệt hệ thống các giải pháp đẩy nhanh tốc độ xây dựng KKTNH. Cần xây dựng quy chế và thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Ban Quản lý KKTNH với các ngành chức năng và chính quyền địa phương; quy định trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và thời gian giải quyết công việc. Căn cứ theo đó cần có chế tài để xử lý, rà soát lại các dự án, kiểm tra năng lực, tiến độ thi công của các nhà đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, nếu vi phạm phải cương quyết xử lý, không để dây dưa kéo dài...

* Xin cám ơn đồng chí!

Nguồn: Cát Hùng – Báo Bình Định