Đưa lao động VN sang Lào: Cần điều chỉnh nhiều chính sách, chế độ
18/08/2009

 

Hội nghị Bộ trưởng hai nước VN - Lào về hợp tác lao động (LĐ) vừa được tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy: dù có hơn 20.000 LĐ VN đang làm việc tại nước bạn Lào, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều chính sách, chế độ chưa thật sự khuyến khích LĐ VN tìm đến thị trường này.

 

Hội nghị Bộ trưởng hai nước VN - Lào về hợp tác lao động (LĐ) vừa được tổ chức tại Đà Nẵng cho thấy: dù có hơn 20.000 LĐ VN đang làm việc tại nước bạn Lào, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều chính sách, chế độ chưa thật sự khuyến khích LĐ VN tìm đến thị trường này.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sông Đà Lê Văn Tốn cho rằng cần điều chỉnh, thay đổi vài chính sách, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội để LĐ VN không thiệt thòi khi LĐ tại đây. Ông Tốn đơn cử: Theo quy định hiện hành của VN, người LĐ làm việc cho các dự án do doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài chỉ thực hiện hai chế độ bảo hiểm dài hạn là hưu trí và tử tuất mà không tham gia các chế độ bảo hiểm ngắn hạn như ốm đau, tai nạn LĐ... và nhất là không được tham gia bảo hiểm y tế.

Trong khi đó hầu hết các dự án do Tổng công ty Sông Đà đầu tư ở Lào ở khu vực hẻo lánh, địa hình hiểm trở. Người LĐ VN khám chữa bệnh gặp rất nhiều khó khăn khi đến các cơ sở y tế của Lào. Trong khi đó, các cơ sở y tế của VN tại các vùng biên giới với Lào khá tiện lợi nhưng không được quyền điều trị. “Cần thay đổi cơ chế chính sách làm sao người LĐ VN tại Lào được tham gia và hưởng đầy đủ các chế độ BHXH và BHYT tại VN” - ông Tốn kiến nghị.

Liên quan đến đóng phí theo quy định của nhà nước Lào, đại tá Bùi Đình Chủ, phó tổng giám đốc Công ty Hợp tác kinh tế, cho biết mỗi năm một LĐ VN phải đóng ít nhất 292 USD (gồm tiền thẻ cư trú, thẻ LĐ, thuế thu nhập...) cho Chính phủ Lào. Trong khi đó mỗi tháng Công ty Hợp tác kinh tế trả lương cho LĐ VN làm việc tại các dự án của công ty là 234 USD.

Tính ra bình quân mỗi tháng người LĐ VN phải đóng cho phía Lào không dưới 40,9 USD. “Như vậy các khoản phí phải nộp so với tổng thu nhập quá cao (18% thu nhập của người LĐ) khiến các nhà đầu tư VN khó tuyển chọn được cán bộ đủ năng lực đưa sang Lào làm việc - đại tá Bùi Đình Chủ nhận định và kiến nghị - Về phía VN, cần có các chính sách ưu đãi về tài chính, LĐ cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Về phía Lào, kiến nghị miễn phí làm thẻ cư trú và giảm phí làm thẻ LĐ, giảm thuế thu nhập cá nhân để phù hợp hơn với mức thu nhập hiện tại. Các khoản phí trên nên chia từng tháng để đóng.Tháng nào không làm không phải đóng thuế”.

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư Lào, đến nay Chính phủ Lào đã cấp phép cho 174 dự án của các nhà đầu tư VN với số vốn đầu tư đăng ký là 899 triệu USD. Hơn 150 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế VN có hoạt động đầu tư, trúng thầu nhiều dự án về thủy điện, đô thị, chế biến gỗ, khoáng sản và xây lắp các công trình giao thông...

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh - cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước - cho biết: “Hiện cục đang đàm phán với các cơ quan hữu quan của Chính phủ Lào để LĐ VN cảm thấy thoải mái và doanh nghiệp VN cũng tuyển đủ LĐ thực hiện các dự án mà không bị chậm tiến độ”.

Trong đó, việc Chính phủ Lào quy định hạn ngạch 10% với LĐ phổ thông và 20% với LĐ kỹ thuật cho mỗi dự án đầu tư nước ngoài chưa phù hợp với đặc thù về tình hình nguồn nhân lực của Lào bởi hầu hết các dự án đầu tư được triển khai tại Lào thường cách xa khu dân cư, nhân lực tại chỗ (dân bản địa) không đáp ứng được.

Nguồn: Tuổi trẻ Online