Cơ hội mới cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
11/08/2009

 

Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh Nghị định 56/2009/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ56) về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 25/8/2009.

 

Trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) xung quanh Nghị định 56/2009/NĐ-CP (gọi tắt là NĐ56) về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 25/8/2009.

Thưa ông, các DNNVV có thể được hưởng những sự trợ giúp gì khi NĐ56 có hiệu lực?

Sự trợ giúp đầu tiên là về tiếp cận tài chính. Theo quy định tại NĐ56, Nhà nước sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích các ngân hàng thương mại dành một tỷ lệ vốn tín dụng nhất định cho DNNVV. Để làm được điều này, sẽ có các chương trình hỗ trợ kỹ thuật giúp nâng cao trình độ xây dựng, quản lý dự án cho cán bộ tín dụng, cũng như cho các chủ DN, từ đó có thể hình thành các dự án có hiệu quả, giúp bên tổ chức tín dụng xem xét, đánh giá cho vay, có thể không cần thế chấp.

Bên cạnh đó, mô hình quỹ bảo lãnh tín dụng, thành lập theo quy định của Nghị định 90/2001/NĐ-CP về trợ giúp phát triển DNNVV (NĐ56 là nghị định thay thế Nghị định 90/2001/NĐ-CP - PV) vẫn tiếp tục được triển khai. Tuy nhiên, không phải tất cả các địa phương đều thành lập quỹ bảo lãnh, mà chỉ nơi nào thực sự có đủ điều hiện. Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng các văn bản pháp quy cho việc thành lập các quỹ này. Ngoài ra, Ngân hàng Phát triển Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện bảo lãnh tín dụng cho DNNVV.

Còn mô hình Quỹ Phát triển DNNVV, thưa ông?

Quỹ Phát triển DNNVV sẽ được thành lập. Mục tiêu là để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ DNNVV, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, cũng như để có thể hỗ trợ vốn cho DN thực hiện đầu tư các dự án có dự án khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước. Đây là một điểm mới của NĐ56, nhưng cũng là theo thông lệ của nhiều nước.

Nhưng nhiều DN vẫn rất băn khoăn với nguồn vốn quỹ, cũng như khả năng tiếp cận quỹ này?

Chúng tôi đang cùng Bộ Tài chính xây dựng Đề án thành lập Quỹ và tất nhiên trong đó sẽ đề cập nguồn quỹ ở đâu, cơ chế hoạt động cụ thể thế nào. Nguồn vốn quỹ có thể lấy một phần từ ngân sách nhà nước, phần khác là từ các nhà tài trợ nước ngoài. Nếu quỹ này được thành lập sớm, chúng ta sẽ tận dụng được nguồn lực từ các nhà tài trợ. Thời gian qua, EU và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) đã hỗ trợ khá lớn cho các DNNVV. Các tổ chức quốc tế cũng rất sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam phát triển DNNVV. Nếu Chính phủ phê duyệt, quỹ này ra đời, thì chúng ta sẽ có một định chế tài chính để tiếp cận vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ, cũng như nguồn vốn đóng góp của cộng đồng, của DN để hỗ trợ DNNVV phát triển.

Nghĩa là, mô hình này khá khả thi?

Việc thành lập quỹ là rất khả thi, nhưng để đưa quỹ vào hoạt động hiệu quả, thì cần phải có thời gian.

Nhưng ngoài việc tiếp cận tài chính, các DNNVV cũng cần rất nhiều sự hỗ trợ khác? 

Đúng vậy! Và vì thế, trong NĐ56, quy định khá rõ các lĩnh vực mà DNNVV được trợ giúp. Ngoài việc nhận trợ giúp về tiếp cận tài chính, DNNVV cũng sẽ được hỗ trợ về đổi mới, nâng cao năng lực công nghệ; mặt bằng sản xuất; xúc tiến mở rộng thị trường; nguồn nhân lực; thông tin… NĐ56 quy định rằng, các địa phương phải dành một tỷ lệ nhất định mặt bằng sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp cho DNNVV. Tương tự, cũng dành một tỷ lệ nhất định các gói mua sắm công cho các DNNVV…

Chính sách hỗ trợ thì rất nhiều, nhưng làm thế nào để NĐ56 sớm đi vào cuộc sống, thưa ông?

Trong NĐ56 có một điểm khác biệt so với Nghị định 90/2001/NĐ-CP. Đó là quy định rõ ràng cơ quan quản lý nhà nước trợ giúp phát triển DNNVV ở Trung ương. Trách nhiệm này được trao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cục Phát triển DN sẽ giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện trách nhiệm này. Tất cả các bộ, ban, ngành, địa phương khi ban hành văn bản pháp luật về trợ giúp DNNVV phải thông qua cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp phát triển DNNVV. Việc này sẽ tạo sự thống nhất trong quản lý nhà nước về trợ giúp DNNVV, tránh tình trạng phân tán, trùng lặp, gây lãng phí.

Nguồn: Báo Đầu tư