Tại hội nghị đầu tư năm 2008 do VinaCapital tổ chức, dù có ít nhà đầu tư (NĐT) hơn các năm trước nhưng những người tham dự lại thấy cơ hội làm ăn trong các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, viễn thông và chứng khoán ở VN là rất lớn.
Tại hội nghị đầu tư năm 2008 do VinaCapital tổ chức, dù có ít nhà đầu tư (NĐT) hơn các năm trước nhưng những người tham dự lại thấy cơ hội làm ăn trong các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng, viễn thông và chứng khoán ở VN là rất lớn.
Thông tin từ hội nghị cho thấy dù khó nhưng luồng vốn đầu tư nước ngoài, kể cả vốn đầu tư gián tiếp, sẽ đổ vào trong thời gian tới vì so với các nước trong khu vực, VN vẫn sáng, hấp dẫn và có nhiều cơ hội hơn.
Cơ hội rất lớn
“Cơ hội rõ ràng nhất là trong lúc này” - ông Phạm Đỗ Chí, nhà kinh tế trưởng kiêm phó tổng giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, nói. Theo ông Chí, cơ hội ở chỗ nhiều người lo ngại tình hình kinh tế ảm đạm đang bán tống bán tháo từ cổ phiếu đến bất động sản nên đây là lúc có thể mua vì giá rẻ.
“Tình hình kinh tế vĩ mô cũng tốt hơn lên, lãi suất đang giảm, hệ thống ngân hàng đang được tái cấp vốn, lành mạnh hơn, hiệu quả hơn…”, ông Chí nói với các nhà đầu tư. Vì vậy, VinaCapital tiếp tục thành lập thêm một quỹ đầu tư bất động sản. “Khách du lịch quốc tế vẫn xem VN là một điểm đến hấp dẫn nhưng khách sạn, khu nghỉ mát vẫn còn thiếu, thị trường bán lẻ sắp tới sẽ bùng nổ là lý do chúng tôi tiếp tục đầu tư” - ông Andy Ho, giám đốc điều hành, trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital, giải thích.
Cơ hội đầu tư cũng đến từ việc nhiều công ty không thể huy động được vốn từ ngân hàng do lãi suất quá cao. “Nhiều công ty phải nghĩ đến kênh huy động từ quỹ đầu tư. Chúng tôi có nhiều lựa chọn hơn khi mà giá cả không còn bị đẩy lên cao như trước đây” - ông Andy Ho nói. Vì thế, vốn đầu tư gián tiếp trong một hai năm tới sẽ vào mạnh hơn.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng được ông William Lean, tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư hạ tầng VinaCapital, đánh giá là khá hấp dẫn. “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào VN. Vì thế, để đáp ứng nhu cầu phát triển của khu vực này, VN phải xây thêm nhiều cầu, đường và cảng biển. Đây là cơ hội đầu tư cho chúng ta” - ông William nói. Ông Phạm Đỗ Chí giải thích thêm: “Nhà nước đang siết lại đầu tư công, nhưng mặt khác vẫn phải đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng. Cơ hội đầu tư cho khu vực tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài là không hề nhỏ”.
Đồng ý với nhận xét về tiềm năng đầu tư to lớn trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng ở VN, ông Ken Mandel, tổng giám đốc điều hành Yahoo Asia, nói thêm: “Hạ tầng viễn thông, Internet của VN chỉ mới là khởi đầu trong khi người sử dụng đang tiếp tục tăng cao. Chính sách của VN trong lĩnh vực này cũng cởi mở hơn. Tôi nghĩ còn quá nhiều cơ hội cho NĐT”.
VN thu hút nhiều vốn đầu tư gián tiếp
Tình hình kinh tế toàn cầu khó khăn liệu có ai tiếp tục bỏ vốn vào VN cũng là một băn khoăn dù cơ hội là rất lớn. Nhưng theo ông Andy Ho: “Trong tình hình này NĐT phải xem xét lại danh mục đầu tư của mình, nhưng so với các nước trong khu vực VN vẫn đang là địa chỉ nổi trội nhất”.
Theo ông Andy Ho, VN không sợ thiếu vốn, thiếu NĐT khi mà các NĐT khu vực Trung Đông đang đến VN nhiều hơn thay vì đến Trung Quốc hay Mỹ và châu Âu. Nguồn vốn của các NĐT Nhật Bản còn nhiều và họ cũng muốn tăng đầu tư vào VN. Ông Andy Ho tiết lộ một trong những lý do VinaCapital đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản là vì các NĐT Trung Đông sẵn sàng bỏ vốn vào lĩnh vực này.
Sau hai ngày lắng nghe những trình bày về cơ hội đầu tư ở VN, ông Mike Bezazian - một cổ đông đến từ Mỹ của VinaCapital - khẳng định: “Tôi sẽ tiếp tục bỏ tiền thêm vào quỹ VinaCapital bởi tôi tin nó sẽ sinh lợi. So với các nước trong khu vực, tôi nghĩ VN có nhiều lợi thế hơn như dân số trẻ, nguồn tài nguyên phong phú và điều quan trọng là các công ty nước ngoài có niềm tin làm ra lợi nhuận ở đất nước này”.
Một NĐT khác đến từ Thụy Sĩ nhận xét ngắn gọn: “Nên đầu tư trong lúc này, bởi khủng hoảng thường đem lại cơ hội mà không phải lúc nào cũng có thể nắm bắt được”. Ông Jerry Borrell, tổng giám đốc T&I Asia, một công ty tư vấn đầu tư trụ sở tại Thái Lan, nhận định: “VN là điểm đến có nhiều lợi thế cạnh tranh. Nhưng thách thức lớn nhất là ở thái độ tiếp nhận và giải quyết công việc của Chính phủ. Tôi thấy một số con đường mà hai ba năm chưa xây dựng xong là điều khó hiểu. Thái Lan cũng từng như vậy. Đừng làm NĐT nản”.
Ông Don Lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho biết một thông tin mà ông nhận được tại một hội nghị ở Singapore rằng có đến 30% NĐT đang hoạt động tại Trung Quốc muốn chuyển hướng sang VN. “Bởi một lý do đơn giản là các NĐT không muốn “bỏ tất cả trứng vào một giỏ” và VN là địa chỉ tốt nhất trong khu vực”, ông Don Lam giải thích thêm.
Nguồn: Tuổi trẻ Online