Bình Định đặt lợi ích của nhà đầu tư là lợi ích của chính mình
21/07/2009

 

Không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tỉnh ta đang nỗ lực thích ứng cũng như tìm hướng đi cho riêng mình. Trong đó, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vẫn là lựa chọn ưu tiên của Bình Định. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện (ảnh) về vấn đề này.

* Giai đoạn 1992-2000 tỉnh ta mới có những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên, và đến giai đoạn 2001-2009 số dự án FDI đã tăng cao so với trước. Đâu là nguyên nhân của sự tăng trưởng này, thưa ông?

 

Không nằm ngoài những khó khăn chung của cả nước trong bối cảnh kinh tế suy thoái, tỉnh ta đang nỗ lực thích ứng cũng như tìm hướng đi cho riêng mình. Trong đó, thu hút đầu tư trong và ngoài nước vẫn là lựa chọn ưu tiên của Bình Định. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thiện (ảnh) về vấn đề này.

* Giai đoạn 1992-2000 tỉnh ta mới có những dự án đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tiên, và đến giai đoạn 2001-2009 số dự án FDI đã tăng cao so với trước. Đâu là nguyên nhân của sự tăng trưởng này, thưa ông?

- Bình Định hiện đang là mảnh đất hấp dẫn của các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Đúng là mãi đến năm 1992 tỉnh ta mới có dự án FDI đầu tiên và cho đến năm 2000 toàn tỉnh chỉ có 3 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD. Nhưng từ năm 2000 đến nay, chúng ta đã có 33 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đầu tư là 410 triệu USD. Các nhà đầu tư đến từ các quốc gia có tiềm lực kinh tế mạnh như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Úc, Malaysia, Thái Lan…

Về đầu tư trong nước, chúng ta thu hút mạnh đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân, nhất là đầu tư vào các khu công nghiệp (CN), với ngành nghề chủ yếu là chế biến đồ gỗ, đá granite, chế biến nông sản, khoáng sản, thủy sản. Từ năm 2006 (khi bắt đầu thực hiện Luật Đầu tư mới) đến nay toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 169 dự án trong nước với tổng giá trị đăng ký đầu tư gần 21.000 tỉ đồng (tương đương 1,3 tỉ USD). Con số này tuy còn khiêm tốn so với một số tỉnh-thành phố là các trung tâm kinh tế của đất nước, nhưng đối với một tỉnh còn nhiều khó khăn như Bình Định thì đây là một sự nỗ lực không ngừng nghỉ.

Tỉnh ta đã xác định phải đi trước một bước về hạ tầng KT-XH, bao gồm giao thông, thủy lợi, cấp điện, cấp nước, bưu chính, viễn thông, ngân hàng, xây dựng các khu-cụm CN, khu kinh tế, xây dựng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, y tế, dịch vụ du lịch, coi đây là bước chuẩn bị thiết thực nhất để mời gọi các nhà đầu tư đến với tỉnh. Mặt khác, căn cứ vào quy hoạch phát triển KT-XH, tỉnh đã lập và công bố danh mục dự án mời gọi đầu tư thông qua các diễn đàn, hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh đã chủ động rà soát và ban hành một số chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư, và chính sách thu hút nhân tài, đào tạo cán bộ, hỗ trợ chi phí đào tạo công nhân, hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM) và xây dựng thương hiệu, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại các khu-cụm CN; hỗ trợ xử lý ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC), cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh...

UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án CCTTHC trong các cơ quan hành chính từ cấp huyện đến tỉnh, đồng thời CCTTHC theo cơ chế “một cửa” tại các cơ quan, trong đó ưu tiên tập trung ở các lĩnh vực đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, giải quyết thủ tục xây dựng, đất đai… Đặc biệt, UBND tỉnh đã thiết lập đường dây nóng, qua đó tiếp nhận và xử lý kịp thời những vấn đề bức xúc từ cơ sở, doanh nghiệp (DN), cũng như điều chỉnh một số cơ chế chính sách phù hợp.

* Năm 2008 chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Định trong bảng tổng sắp tụt 7 hạng (từ thứ 4 - năm 2007, rớt xuống thứ 11 - năm 2008). Ông có thể cho biết nguyên nhân vì sao và Bình Định sẽ cần phải làm gì để tái gia nhập nhóm dẫn đầu?

- Năm 2008, Bình Định tụt xuống thứ 11 trong bảng xếp hạng PCI và chỉ được xếp loại “tốt”, không còn trong nhóm “rất tốt” nữa. Nguyên nhân đầu tiên của sự sụt giảm này là do công tác quản lý của Nhà nước tuy có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của DN. Cụ thể DN mong đợi tỉnh nhiều hơn về chất lượng dịch vụ công trong cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, XTTM, phát triển các khu-cụm CN… Nguyên nhân thứ hai là do điều kiện phấn đấu mạnh mẽ để tự cải thiện của từng địa phương. PCI đã thực sự là một cuộc đua và không tỉnh nào chịu đứng yên. Tỉnh ta cần tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng các dịch vụ công của tỉnh trong cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ tìm kiếm đối tác, đào tạo nguồn nhân lực, XTTM, giải phóng mặt bằng (GPMB), xây dựng phát triển các khu-cụm CN…, tiếp tục CCTTHC và môi trường đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN.

* Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, Bình Định cần có giải pháp gì để bảo đảm phát triển bền vững, thưa ông?

- Tôi cho rằng trong tình hình khó khăn hiện nay, chúng ta có cơ hội để nhìn nhận, đánh giá lại những bước đi đã qua và hoàn thiện hơn nữa trong xúc tiến đầu tư, môi trường đầu tư để chuẩn bị đón nhận các nhà đầu tư khi nền kinh tế phục hồi. Trước hết cần tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu và các khu tái định cư, đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB các khu - cụm CN và các dự án khác để thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời đặt lợi ích các nhà đầu tư là lợi ích của chính mình.

Tập trung phát triển toàn diện, bền vững tạo tăng trưởng cao về nông nghiệp, góp phần tăng trưởng GDP của tỉnh. Thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu, các dự án đang đầu tư đang triển khai để nắm bắt, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, giúp cho sản xuất, xuất khẩu (XK) duy trì tăng trưởng. Hỗ trợ các dự án đầu tư mới, dự án đầu tư mở rộng đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tiếp tục phát triển thương mại, dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch, tăng giá trị XK, chú trọng giải quyết việc làm cho người lao động.

Điều chỉnh, cơ cấu lại sản phẩm xuất nhập khẩu, hạn chế XK nguyên liệu thô hoặc chỉ qua sơ chế (vừa có giá trị gia tăng thấp vừa phụ thuộc quá nhiều vào thị trường quốc tế); hướng các DN đầu tư chế biến ra thành sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tăng giá trị kim ngạch XK, tạo thêm việc làm cho người lao động; sử dụng nguyên liệu trong nước cho một số chi tiết cấu thành để giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Tạo điều kiện hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, phát huy vai trò của các hiệp hội, thống nhất có tiếng nói chung trong kêu gọi, đàm phán với các đối tác và bạn hàng nhằm duy trì sản xuất, XK. Các DN tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ, tuyệt đối tránh tình trạng cạnh tranh nội bộ ngành, gây thiệt hại lẫn nhau trong hoạt động XK.

Mặt khác, cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo lao động để có thể cung cấp nguồn nhân lực với số lượng và chất lượng phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần quan tâm hơn nữa đến việc đào tạo đội ngũ cán bộ có tinh thần trách nhiệm và trình độ tương thích với yêu cầu hội nhập. Đồng thời xây dựng cơ chế sử dụng, đãi ngộ nhân tài để họ yên tâm cống hiến nhiều hơn. Quyết tâm chuyển đổi từ tư duy “quản lý, giải quyết” sang tư duy “phục vụ, đáp ứng” nhằm thỏa mãn ngày một tốt hơn nhu cầu chính đáng của nhà đầu tư và DN...

* Xin cám ơn ông!

Cát Hùng (Thực hiện)

 

Nguồn: Bình Định Điện tử