Tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát chuẩn bị dự án của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)
14/07/2009

 

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã tiếp và làm việc với đoàn khảo sát của JICA đi khảo sát và thu thập số liệu để chuẩn bị xây dựng dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ”. Tham dự có các sở ngành liên quan và Đại diện UBND các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.

 

Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng đã tiếp và làm việc với đoàn khảo sát của JICA đi khảo sát và thu thập số liệu để chuẩn bị xây dựng dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ”. Tham dự có các sở ngành liên quan và Đại diện UBND các huyện Hoài Nhơn, Hoài Ân, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn.

Tại buổi làm việc,ông Yoji Mizuguli, Cố vấn trưởng — Trưởng đoàn đã giới thiệu khái quát về dự án này và trình bày sơ bộ về kết quả đã thu hoạch được trong thời gian làm việc tại tỉnh từ ngày 6-10/7/2009.

Ông Yoji cho biết từ năm 2002-2008, Tổ chức JICA đã tài trợ dự án trồng rừng 20.000ha, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao hiệu quả đạt được của dự án này và yêu cầu JICA hỗ trợ trong việc xây dựng dự án “Phục hồi và quản lý bền vững rừng phòng hộ”. Vì vậy, JICA đã cử đoàn tư vấn cho nghiên cứu chuẩn bị xây dựng dự án này. Phạm vi nghiên cứu tại 12 tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận.

Mục tiêu dài hạn của dự án nhằm giúp chủ rừng tự quản lý và bảo vệ bền vững rừng phòng hộ; Phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học; Giảm nghèo cho miền núi. Ngoài ra mục tiêu trung hạn của dự án là phục hồi rừng đầu nguồn và rừng ven biển chắn sóng/cát; Phát triển năng lực cho chính quyền địa phương và chủ rừng; tăng cường sinh kế cho các cộng đồng địa phương. Dự kiến thời gian thực hiện dự án là 10 năm. Chọn vùng thực hiện dự án dựa trên tiêu chí là tỷ lệ đất trống đồi núi trọc cao, thích hợp với phát triển lâm nghiệp, không trùng lặp với các dự án khác, không có tranh chấp về sử dụng đất đai, không có tái định cư hay thu hồi đất, và đề xuất cơ chế hoạt động là thành lập Ban điều hành của tỉnh sử dụng các cán bộ từ các ngành khác nhau. Đặc biệt người dân địa phương sẽ được hưởng lợi kinh tế từ dự án rất nhiều như được nhận lương từ việc trồng và chăm sóc cây rừng; lợi ích từ gỗ thành phẩm (gỗ thu hoạch/xẻ), gỗ nhiên liệu (từ rừng), lâm sản ngoài gỗ; cải thiện cơ sở hạ tầng như cầu, đường, hệ thống tưới tiêu đặc biệt là nâng cao thu nhập và tăng cơ hội việc làm thông qua hoạt động khuyến nông, khuyến lâm.

Qua đó, Trưởng ban BQL dự án Lâm nghiệp tỉnh đã có báo cáo sơ bộ về điều kiện tự nhiên, kinh tế-xã hội của tỉnh, sự cần thiết của dự án đối với người dân địa phương, đề xuất chọn vùng dự án gồm 11 xã của 05 huyện Hoài Nhơn (Hoài Sơn), Hoài Ân (Bok Tới, Ân Nghĩa, Ân Sơn), Phù Mỹ (Mỹ An, Mỹ Phong, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa), Vĩnh Thạnh (Vĩnh Kim), Tây Sơn (Tây Phú, Vĩnh An) và chọn các loại cây trồng như cây Keo lai, Keo lá tràm, Thông nhựa, Thông Caribe, Sao đen, Dầu rái, Lim xanh và một số loài Song mây trồng dưới tán rừng. Bên cạnh đó, các huyện thụ hưởng dự án cũng đưa ra một số đề xuất cho phù hợp với địa phương mình.

Kế thúc buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng cám ơn đoàn công tác và mong muốn ông Yoji Mizuguli, Cố vấn trưởng lưu ý đến các đề xuất mà tỉnh yêu cầu vào dự án. Ông Yoji cho biết sẽ cố gắng đưa tất cả các đề xuất của địa phương vào dự án, tuy nhiên sự phán quyết cuối cùng là do JICA và cám ơn sự hợp tác nhiệt tình của phía tỉnh dành cho đoàn trong thời gian làm việc tại tỉnh.

Nguồn: Website UBND tỉnh Bình Định