Sức hấp dẫn của quyền được mở rộng kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh… sau khi đăng ký lại của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên cùng với những nới rộng các điều kiện gia nhập thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Sức hấp dẫn của quyền được mở rộng kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh… sau khi đăng ký lại của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên cùng với những nới rộng các điều kiện gia nhập thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Hồ sơ xin đăng ký lại của một công ty liên doanh tại TP.HCM nộp sau thời điểm 30/6/2008 đã bị từ chối vào năm ngoái sẽ được tiếp tục xem xét ngay ngày 1/8/2009, thời điểm hiệu lực của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Như vậy, sau khi các thủ tục được hoàn thành, công ty này sẽ được phép bổ sung thêm chức năng kinh doanh bất động sản, điều mà họ không thể làm được nếu thời điểm đăng ký lại cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không được gia hạn.
Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết, trong trường hợp của công ty trên, lý do đăng ký lại hoạt động là nhằm mở rộng lĩnh vực hoạt động sang kinh doanh bất động sản. Khi hệ thống luật pháp trong lĩnh vực bất động sản được hoàn thiện, doanh nghiệp đủ điều kiện để mở rộng kinh doanh thì thời hạn về đăng ký lại đã hết. Nhiều doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm với lý do tương tự. “Việc luật cho phép kéo dài thời hạn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tận dụng cơ hội kinh doanh mới, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn”, ông Rê nói.
Sức hấp dẫn của quyền được mở rộng kinh doanh, thay đổi ngành nghề kinh doanh… sau khi đăng ký lại hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Nghị định 101/2006/NĐ-CP về việc đăng ký lại, chuyển đổi và đăng ký đổi giấy chứng nhận đầu tư của các doanh nghiệp FDI đang tăng lên cùng với những nới rộng các điều kiện gia nhập thị trường dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Cũng từ thời điểm này, sau 2 năm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một số lĩnh vực dịch vụ chính thức mở cửa theo lộ trình. Đây là lúc những kế hoạch mở rộng, chuyển đổi ngành nghề được các nhà đầu tư tính tới.
Không những thế, phân tích các lợi thế so sánh giữa những điều kiện kinh doanh hiện tại và các ưu đãi trong giấy phép đầu tư được cấp trước năm 2006, ông Võ Tấn Thái, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hoà cho biết, cơ hội đầu tư sinh lời tại Việt Nam đang tăng lên rõ rệt, hấp dẫn hơn các ưu đãi liên quan đến quyền chuyển ngoại tệ ra ngoài, một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư luôn lo ngại khi thay đổi giấy phép đầu tư. “So với thời điểm này của năm trước, cơ hội tham gia đầu tư bất động sản, đầu tư vào các lĩnh vực kinh doanh khác thuận tiện hơn nhiều, cơ hội tăng lợi nhuận của các nhà đầu tư tại Việt Nam trong một số lĩnh vực cao hơn chuyển tiền ra ngoài”, ông Thái cho biết về trao đổi của một số nhà đầu tư về đề nghị nới rộng thời gian đăng ký lại.
Hơn thế, lo ngại về sự chậm trễ trong các thủ tục hành chính, nhất là trong đăng ký kinh doanh đã được giải toả hơn nhiều so với 2 năm trước. Quy định về một cửa liên thông trong đăng ký kinh doanh đã chính thức có bằng văn bản, thay vì thí điểm từng địa phương như trước. Tại Khánh Hoà và một số địa phương, thủ tục chuyển đổi đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng, với khoảng thời gian tính trong ngày làm việc. Tuy nhiên, lo ngại về khả năng thay đổi các ưu đãi vượt khung so với quy định pháp luật hiện hành là lý do khiến một số doanh nghiệp phải cân nhắc khi tiến hành đăng ký lại.
Tại Khánh Hoà, khi trao đổi với Sở Kế hoạch và Đầu tư về lý do không thực hiện đăng ký lại, một số doanh nghiệp cho biết, do giấy phép đầu tư của họ chuẩn bị hết hạn, nên việc đăng ký lại sẽ chỉ được cân nhắc khi các ưu đãi đầu tư hiện ghi trong giấy phép đầu tư hết hiệu lực. “Cho dù cam kết giữ nguyên mức ưu đãi được đưa ra, song các doanh nghiệp này muốn tận dụng một cách chắc chắn các ưu đãi được ghi trong giấy phép đầu tư trước khi tính đến kỳ kinh doanh mới”, ông Thái cho biết.
Ông Doãn Anh Quân, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hưng Yên cho biết, trong số 25/69 doanh nghiệp FDI đã đăng ký lại, không ít doanh nghiệp sau khi làm thủ tục đăng ký lại đã phải trở lại các cơ quan hành chính để làm giấy xác nhận do những thay đổi trên giấy tờ pháp lý. “Việc điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khiến một số doanh nghiệp gặp vướng mắc khi làm thủ tục nhập hàng theo vận đơn đã mở trước đó”, ông Quân cho biết và lo ngại, nếu những vướng mắc này không được giải quyết dứt điểm, thì việc gia hạn thêm thời gian cho hoạt động này sẽ không mang lại hiệu quả.
Nguồn: Báo Đầu tư