Chung tay thúc đẩy giải ngân ODA
01/07/2009

 

Không chỉ phía Việt Nam, mà các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển, cũng đang rất nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

 

Không chỉ phía Việt Nam, mà các nhà tài trợ, đặc biệt là nhóm 6 ngân hàng phát triển, cũng đang rất nỗ lực thúc đẩy giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

TP.HCM có lẽ là đơn vị duy nhất trong cả nước chỉ trong 6 tháng đầu năm đã giải ngân vốn ODA vượt mức kế hoạch cả năm. Cụ thể, 6 tháng qua, đã có 2.516 tỷ đồng, bao gồm 2.439 tỷ đồng vốn ODA và 77 tỷ đồng vốn đối ứng, được địa phương này đưa vào thực hiện các công trình hạ tầng cơ sở, vượt 18% kế hoạch năm (2.132 tỷ đồng). 

Có được kết quả này, trước hết là nhờ nỗ lực của TP.HCM, song cũng cần phải nhắc tới sự hỗ trợ tích cực từ phía các nhà tài trợ, đặc biệt là Ngân hàng Thế giới (WB). Thời gian qua, để khắc phục tình trạng giải ngân chậm ở thành phố này, các nhà tài trợ đã cử các đoàn chuyên gia vào thị sát tình hình triển khai dự án, cùng địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Nhờ vậy, nhiều dự án ODA ở TP.HCM đã nhanh chóng được giải ngân và giải ngân vượt kế hoạch, như Dự án cải thiện môi trường nước TP.HCM lưu vực kênh Bến Nghé - Tàu Hủ Kênh Đôi - Tẻ giai đoạn I (do JICA tài trợ) đã giải ngân vượt 81,56% kế hoạch năm; Dự án Xây dựng đại lộ Đông - Tây (JICA) vượt 60,92% kế hoạch năm. 

Ngoài ra, hàng loạt dự án khác có tốc độ giải ngân khá và được cải thiện đáng kể so với giai đoạn trước, như Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (WB - đạt 92,55% kế hoạch), Dự án Nâng cấp đô thị TP.HCM (WB - 81,34% kế hoạch năm)...

Cùng nằm trong nỗ lực chung tay thúc đẩy giải ngân vốn ODA, chiều ngày 29/6, một cuộc họp giao ban giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhóm 6 ngân hàng phát triển (ADB, AFD, JICA, KOEXIM Bank, KfW và WB) đã được tổ chức. Sau khi thảo luận báo cáo của các nhà tư vấn về các biện pháp thúc đẩy giải ngân ODA, các bên đã đi đến thống nhất về việc tổ chức một cuộc họp chính thức để đưa ra các giải pháp cụ thể vào tháng 9 tới. Trước đó, các cuộc gặp giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với WB, JICA cũng đã được thực hiện với mục tiêu chính là đẩy mạnh giải ngân vốn ODA.

Đặc biệt, tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam, vấn đề này cũng là một trong những nội dung được tập trung thảo luận. Số liệu thống kê từ nhóm 6 ngân hàng phát triển cho thấy, tổng vốn ODA giải ngân được trong 6 tháng đầu năm đạt 1.132,98 triệu USD. Theo các nhà tài trợ, tuy mức giải ngân đã được cải thiện từ cuối quý I đến nay, song do khối lượng ODA cam kết tăng, nên tỷ lệ giải ngân của các nhà tài trợ trong nhóm 6 ngân hàng phát triển vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của khu vực. 

Chẳng hạn, với WB, mức giải ngân vốn ODA của Việt Nam chỉ đạt 12 - 13% số vốn cam kết, trong khi mức giải ngân vốn ODA bình quân trong khu vực của WB là 20 - 22%. Trong khi đó, với ADB, mức giải ngân trong 6 tháng qua chỉ dừng lại ở con số 135,89 triệu USD.

Thừa nhận thực tế này, ông Hồ Quang Minh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, tình trạng giải ngân chậm cũng diễn ra tương tự đối với các nhà tài trợ khác. "Nếu chúng ta tập trung giải ngân được nguồn vốn ODA thì sẽ góp phần kích cầu rất tốt", ông Minh nói và cho biết, phía Việt Nam sẽ nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy giải ngân vốn ODA trong những tháng còn lại của năm, đặc biệt với vốn của nhóm 6 ngân hàng phát triển. Bởi lẽ, vốn ODA do 6 ngân hàng này cung cấp thường chiếm 75 - 80% vốn ODA cho Việt Nam, nên thúc đẩy giải ngân vốn ODA của 6 ngân hàng này cũng chính là thúc đẩy kế hoạch giải ngân chung của cả nước.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam đã giải ngân được 1.270 triệu USD (trong đó vốn vay khoảng 1.163 triệu USD, vốn viện trợ không hoàn lại khoảng 107 triệu USD), bằng 67% kế hoạch giải ngân của cả năm, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số rất đáng khích lệ, nhất là trong bối cảnh cả nước đang tập trung kích cầu để ngăn chặn suy giảm kinh tế.

Theo đánh giá của ông Hồ Quang Minh, thì với nỗ lực của nhiều phía, nhiều khả năng năm nay sẽ vượt kế hoạch giải ngân. Đặc biệt, việc Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến xây dựng cơ bản vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần đáng kể giúp tháo gỡ khó khăn liên quan đến các thủ tục đầu tư, nhằm thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải ngân vốn ODA.

Nguồn: Báo đầu tư