Dự án xây dựng Trung tâm Gặp gỡ quốc tế khoa học liên ngành ở Việt Nam
26/06/2009

 

Gặp gỡ Blois 2009 diễn ra suốt một tuần, từ ngày 21 đến 26.6.2009, tại đô thị cổ Blois (đọc là Bloa) ở miền Trung nước Pháp trong thung lũng sông Loire, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Blois cũng là thành phố kết nghĩa với cố đô Huế của Việt Nam.

2009 là Năm Thiên văn học thế giới nhằm tôn vinh 400 năm những quan sát đầu tiên của Galilei đối với vòm trời bằng kính viễn vọng mạnh do ông sáng chế, cũng như việc Kepler công bố những quy luật về sự chuyển động của các hành tinh - hai sự kiện đã tạo ra một bước phát triển cách mạng trong thiên văn học.

 

Gặp gỡ Blois 2009 diễn ra suốt một tuần, từ ngày 21 đến 26.6.2009, tại đô thị cổ Blois (đọc là Bloa) ở miền Trung nước Pháp trong thung lũng sông Loire, một di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Blois cũng là thành phố kết nghĩa với cố đô Huế của Việt Nam.

2009 là Năm Thiên văn học thế giới nhằm tôn vinh 400 năm những quan sát đầu tiên của Galilei đối với vòm trời bằng kính viễn vọng mạnh do ông sáng chế, cũng như việc Kepler công bố những quy luật về sự chuyển động của các hành tinh - hai sự kiện đã tạo ra một bước phát triển cách mạng trong thiên văn học.

Chủ đề của Gặp gỡ Blois 2009 là: Những khung cửa sổ nhìn ra Vũ trụ. Từ “Vũ trụ” dùng ở đây được viết hoa như một tên riêng để chỉ cái vũ trụ nơi loài người đang tồn tại và tư duy, nhằm phân biệt với các vũ trụ khác, biết đâu chẳng có thế có, theo thuyết các vũ trụ song song (parallel universes) hay thuyết đa vũ trụ (polyuniverses).

Còn cụm từ “những khung cửa sổ” là cách nói ví von để chỉ những phương tiện vật lý giúp các nhà khoa học thám sát Vũ trụ này, cái Vũ trụ được sinh thành từ sau Vụ Nổ Lớn (Big Bang), chẳng hạn các kính thiên văn hiện đại, các khám phá mới trong các lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý năng lượng cao, cũng như trong việc nghiên cứu các tia vũ trụ, sóng hấp dẫn, sóng điện từ, tìm hiểu bản chất của năng lượng tối (dark energy), vật chất tối (dark matter), hay trong công cuộc đầy khó khăn truy lùng hạt Higgs, loại hạt mà giới vật lý lý thuyết tiên đoán có tồn tại nhưng, cho đến nay, vẫn chưa hề thấy dấu vết, tìm kiếm những chiều kích còn bị che khuất của không gian, hoặc những phát hiện mới do Máy Gia tốc lớn Hadron vừa được vận hành tại Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu ở Geneva  (Thụy Sĩ), hay do việc phóng hai trạm thăm dò thiên thể mà Cơ quan Nguyên cứu Không gian châu Âu vừa thực hiện thành công cách đây mấy tháng.

Hầu như tất cả những kết quả nóng hổi nhất vừa đạt được trong thời gian gần đây trên thế giới về nghiên cứu Vũ trụ đều được nhiều nhà vật lý hàng đầu ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Đại Dương mang tới trình bày tại cuộc gặp lần này ở tòa lâu đài Hoàng gia xây dựng vào thời Trung đại, trùng tu vào thời Phục hưng bên bờ dòng sông Loire trong vắt. Xa xa là những cánh rừng nguyên sinh trải dài một màu lục thẫm các loài cây ôn đới như sồi, đoạn, anh đào, tuyết tùng, vân sam, tiêu huyền mộc… được giữ gìn nguyên vẹn như trong thuở sơ khai, bởi vì cả vùng này là di sản văn hóa thế giới, không ai được chặt phá lung tung.

Bà Nguyễn Thị Thanh Bình, phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, nhân cơ hội này giới thiệu với các nhà vật lý quốc tế việc xây dựng tại bờ biển thành phố Quy Nhơn (Bình Định) một trung tâm hội nghị quốc tế khoa học liên ngành, do GS Trần Thanh Vân và tổ chức của ông đầu tư nhiều triệu Euro. Trung tâm hội nghị này, với diện tích 10 héc-ta, sẽ bao gồm nhiều hội trường, phòng học, một khách sạn ba sao, bể bơi, quán cà-phê, những lối đi len lỏi giữa rừng cây xanh mát, giúp các nhà khoa học đến đây vừa làm việc vừa kết hợp nghỉ dưỡng. Được sự giúp đỡ hết lòng của chính quyền tỉnh Bình Định và Trường Đại học Quy Nhơn, Trung tâm có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2011. Nhiều nhà khoa học từ các nước phát triển cao Âu, Mỹ sẽ đến đây dự hội thảo, giảng bài, giúp các tài năng trẻ Việt Nam nhanh chóng nắm bắt tri thức hiện đại để thúc đẩy nhanh chóng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

GS Trần Thanh Vân nói với chúng tôi:

Chúng ta đang chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của các nước mới nổi, như Việt Nam, trên vành đai châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng chúng ta cũng thấy rõ khoảng cách giữa nhịp độ phát triển nhanh với trình độ khoa học hiện nay của các nước ấy. Rõ ràng cần có sự nhịp nhàng tiến bước giữa nền kinh tế đang lớn mạnh nhanh chóng với một nền khoa học và công nghệ vững chắc. Ai cũng nhận thấy vành đai châu Á - Thái Bình Dương là một nguồn dự trữ to lớn các tài năng  trẻ có khả năng đóng góp cho các dự án khoa học trong hiện tại cũng như trong tương lai. Để tận dụng nguồn nhân lực khoa học dồi dào ấy, giúp các nước đang phát triển phát huy đầy đủ tiềm năng của mình, điều quan trọng là cần thúc đẩy sự trao đổi khoa học và chia sẻ kinh nghiệm giáo dục giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Chính nhằm mục đích ấy mà chúng tôi chủ trương xây dựng một trung tâm quốc tế gặp gỡ khoa học chuyên ngành, ở đó, các nhà khoa học trẻ và các nhà khoa học nổi tiếng, giàu hiểu biết và kinh nghiệm có thể gặp gỡ, trao đổi các ý tưởng, trong môi trường yên tĩnh, có lợi cho việc nghỉ dưỡng. Nhưng tại sao lại chọn Việt Nam để xây dựng trung tâm này? Bởi vì, theo chúng tôi nghĩ, Việt Nam nằm ở ngã ba các tuyến đường qua lại vành đai châu Á - Thái Bình Dương, là đất nước đang mở cửa, mong muốn có nhiều dự án hợp tác với các nước phát triển, là quốc gia đã từng tổ chức đều đặn thành công một số hội nghị và trường học quốc tế. Trung tâm mà chúng tôi sắp xây dựng sẽ thúc đẩy các hoạt động ấy mạnh mẽ hơn. Hơn nữa, Việt Nam cũng là mảnh đất có nhiều tài năng trẻ từng giành nhiều huy chương vàng, bạc, đồng tại các olympic quốc tế về toán, vật lý, hóa học, sinh học, tin học, v.v. Nhiều học sinh Việt Nam thi đỗ vào các đại học danh tiếng ở Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Nga, v.v.

Sáu nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel về vật lý có mặt tại Gặp gỡ Blois 2009. Đó là GS James Cronin, Đại học Chicago (Mỹ), Giải thưởng Nobel năm 1980; GS Riccardo Giacconi, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Giải thưởng Nobel năm 2002; GS Martin Perl, Đại học Stanford (Mỹ), Giải thưởng năm 1995; GS George Smoot, Đại học California ở Berkeley (Mỹ), Giải thưởng Nobel năm 2006; GS Jack Steinberger, Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu ở Geneva (Thụy Sĩ), Giải thưởng Nobel năm 1988; và GS Joseph Taylor, Viện Nghiên cứu cấp cao Princeton (Mỹ), Giải thưởng Nobel năm 1993. Sáu nhà bác học này đều là những người bạn thân thiết lâu năm của GS Trần Thanh Vân.

Bên cạnh các nhà bác học lỗi lạc, còn có hơn 200 nhà vật lý hàng đầu và nhiều tiến sĩ trẻ thuộc 30 quốc tịch ở châu Âu, châu Mỹ, châu Á và châu Đại Đương đến dự cuộc gặp, đông nhất là các nhà vật lý Mỹ và Pháp.

Nhiều nhà vật lý Việt Nam làm việc ở trong nước hoặc ở nước ngoài cũng có mặt tại Gặp gỡ Việt Nam nhân kỷ niệm tròn 20 năm tổ chức các cuộc gặp này. Chúng tôi rất phấn chấn khi có dịp gặp lại và chuyện trò thân mật với GS Phạm Xuân Yêm, Đại học Paris (Pháp); GS Phạm Quang Hưng, Đại học Charlottesvile (Virginia, Mỹ); TS Nguyễn Trọng Hiền, Viện Công nghệ California (Mỹ); TS Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (Thụy Sĩ); TS Nguyễn Thị Minh Phương, Đại học Quy Nhơn; TS Đỗ Hoàng Sơn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; và các nghiên cứu sinh vật lý Đào Ánh Vân, Nguyễn Dũng, Đại học Brown (Mỹ).

Tại phiên họp sáng thứ hai 22.6, tiếp sau diễn văn khai mạc của GS Trần Thanh Vân, ông Marc Gricourt, Thị trưởng Blois, đã đọc lời chào mừng nhiệt liệt hoan nghênh hơn 200 nhà vật lý từ khắp các châu lục đến Blois dự cuộc gặp quốc tế lớn về vật lý thiên văn năm 2009. Ông  đánh giá rất cao công lao to lớn của GS Trần Thanh Vân trong việc làm cho địa danh Blois được giới khoa học thế giới biết tới, thu hút cả các nhà bác học đoạt Giải thưởng Nobel.

Nguồn: Báo Bình Định online