Khởi động lại các "làn sóng" FDI
16/06/2009

 

Sau giai đoạn trầm lắng do tác động của cuộc khủng hoảng, số doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh đang có xu hướng gia tăng.

 

Sau giai đoạn trầm lắng do tác động của cuộc khủng hoảng, số doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu cơ hội đầu tư, kinh doanh đang có xu hướng gia tăng.

Trong hai ngày cuối tuần qua, tại Hà Nội, 16 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại Seoul (Hàn Quốc) đã kín lịch làm với với các đối tác nước ta trong chương trình phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Các doanh nghiệp này đang tranh thủ các chính sách khuyến khích đẩy mạnh đầu tư, tạo việc làm, tạo thị trường xuất nhập khẩu ổn định của Chính phủ Hàn Quốc. Điều đáng nói, Việt Nam là một trong những địa điểm được Chính phủ Hàn Quốc lựa chọn để khuyến khích các doanh nghiệp nước này tới đầu tư.

Trao đổi với báo giới, ông Louis Park, Trưởng đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc cho biết, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam ngay trong thời điểm này là quy mô thị trường tiềm năng, nguồn nguyên vật liệu dồi dào và năng lực lao động tốt. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đến Việt Nam lần này chủ yếu thuộc các lĩnh vực thương mại, xuất nhập khẩu các sản phẩm công nghiệp nhẹ, công nghệ cao và tiêu dùng. Quy mô thị trường Việt Nam, với trên 80 triệu dân, đang là đích ngắm của nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc.

Có lẽ, những đánh giá như vậy lý giải cho sự ổn định khá bền của đầu tư Hàn Quốc vào Việt Nam trong những năm qua. Trong 5 tháng đầu năm, mặc dù biến động kinh tế thế giới tác động trực tiếp và mạnh mẽ tới các kế hoạch đầu tư của hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, song Hàn Quốc vẫn ở vị trí thứ hai về tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm. Còn nếu như tính về số lượng dự án cấp mới thì các nhà đầu tư Hàn Quốc đang đứng đầu, với 59 dự án cấp mới, 11 dự án tăng vốn, vượt xa các quốc gia khác trong danh sách các đối tác đầu tư của Việt Nam.

Cũng phải nói rằng, sự hấp dẫn của thị trường Việt Nam không dừng lại ở các nhà đầu tư truyền thống. Mới đây nhất, Việt Nam đã vượt 9 bậc và lọt vào tốp 10 trong Bảng xếp hạng 50 nước và vùng lãnh thổ hấp dẫn đầu tư nhất thế giới của Công ty tư vấn toàn cầu AT Kearney công bố ngày 11/6. Bảng xếp hạng này dựa trên những yếu tố kích thích và thu hút công ty nước ngoài. 

Giới đầu tư quốc tế đã đánh giá thị trường Việt Nam cao hơn Brazil, Mexico và Sri Lanka trong lĩnh vực cung cấp các hợp đồng tin học, vào cùng tốp đứng đầu gồm ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Về tiêu chí chi phí sản xuất thấp, giá nhân công thấp và lợi nhuận cao thì thị trường Việt Nam lọt vào tốp 3 nước đứng đầu thế giới.

Ông Norbert Jorak, Giám đốc điều hành Hội đồng Chính sách của AT Kearney Global Business cho rằng, mối quan tâm của giới đầu tư nước ngoài tới Việt Nam không chỉ dừng lại ở các lĩnh vực quen thuộc và có thế mạnh như sản xuất nông sản xuất khẩu.

"Một vị trí cao trong bảng xếp hạng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ là điểm thu hút thương mại trong năm tới, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn đang đe dọa nhiều nước trên thế giới", ông Norbert Jorak nói và nhắc tới sự thay đổi xu thế trong đầu tư tại Việt Nam.

Thực ra, đã có nhiều dấu hiệu tích cực về xu thế này ngay từ đầu năm. Ông Phan Hữu Thắng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã nhắc tới sự dồn dập đến Việt Nam của các doanh nghiệp khu vực EU, đặc biệt từ Đức, Italy, Thuỵ Sỹ, Pháp... Ngay cuối tuần trước, đoàn 27 doanh nghiệp thuộc Liên đoàn Doanh nghiệp Pháp (MEDEF) cũng đã đến làm việc với không chỉ các doanh nghiệp, mà cả các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam.

Triển vọng kinh tế Việt Nam đang được nhà đầu tư kỳ vọng khi các nền kinh tế lớn khác vẫn tiếp tục được dự báo suy thoái. "Tôi vừa có chuyến công tác tại Thụy Sỹ và nhận thấy rất rõ, các nhà đầu tư khu vực này đang thực sự quan tâm đến việc đầu tư vào Việt Nam", ông Thắng nói. 

Cũng trong tuần trước, ông Paul Bulcke, Giám đốc điều hành Tập đoàn Nestlé (Thụy Sỹ) đã sang Việt Nam làm việc và khai trương khu vực sản xuất mới tại Nhà máy Nestlé (Khu công nghiệp Biên Hòa II, tỉnh Đồng Nai). 

Đây là một trong những khoản mục đầu tư trong kế hoạch đầu tư thêm 5 triệu USD để mở rộng các cơ sở sản xuất tại Việt Nam được Công ty công bố hồi năm 2008. Bên cạnh đó, Công ty La Vie, một công ty liên doanh với Việt Nam do Nestlé nắm giữ 65% cổ phần, cũng mới đầu tư thêm 6 triệu USD trong năm 2009, nâng cấp đáng kể dung lượng sản xuất của nhà máy tại Long An. Khoảng 1,3 triệu USD nữa đã được công bố sẽ đầu tư nâng cấp nhà máy tại Hưng Yên.

"Những khoản đầu tư mới mà Nestlé thực hiện tại Việt Nam thể hiện cam kết của Nestlé đối với những thị trường mới nổi nói chung và Việt Nam nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn hiện nay.

Việt Nam có nhiều thuận lợi lớn, như có dân số trẻ và năng động, thị trường tiêu dùng đang mở rộng và môi trường kinh doanh thuận lợi. Chúng tôi có tầm nhìn lâu dài và niềm tin vững chắc vào tiềm năng của Việt Nam", ông Bulcke cho biết.

Nguồn: Báo Đầu tư