Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng hàng năm từ năm 2005, do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được xây dựng hàng năm từ năm 2005, do nhóm nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Dự án Nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam (VNCI) phối hợp thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ.
Đây là năm thứ tư liên tiếp TBKTSG được chọn để công bố chỉ số này. Kết quả PCI 2008 cho thấy, trong mắt của các doanh nghiệp chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh nói chung đang chững lại.
Cải thiện ở một số chỉ số thành phần...
Một điểm tiến bộ khác là chỉ số tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Theo kết quả điều tra của năm nay, 81% số doanh nghiệp ở tỉnh trung vị có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tăng so với 75% của năm 2007 và 55% của năm 2006. Sự cải thiện này giúp doanh nghiệp yên tâm để tính toán mở rộng đầu tư.
Khả năng tiếp cận thông tin của doanh nghiệp, đặc biệt là các chủ trương chính sách của tỉnh, cũng tăng lên rõ rệt nhờ sự phát triển của Công báo tỉnh. Trên 65% số doanh nghiệp tham gia cuộc điều tra năm nay tin rằng họ có thể tiếp cận các loại văn bản pháp lý của tỉnh, tăng so với con số 61% của năm 2007.
Bên cạnh đó, chỉ số tính minh bạch ngày càng tăng cũng thể hiện qua việc chỉ có 36% số doanh nghiệp năm nay cho biết họ phải thỏa thuận với cán bộ thuế về các khoản thuế phải nộp (năm ngoái tỷ lệ này là 41% và năm 2006 là 61%).
Một trong những vấn đề mà nhóm thực hiện PCI năm ngoái đã khuyến nghị Chính phủ cần quan tâm hơn là việc các doanh nghiệp tư nhân thiếu niềm tin vào thiết chế pháp lý. Thế nhưng năm nay vấn đề này lại trở thành điểm sáng. Doanh nghiệp dân doanh đã sử dụng tòa án nhiều hơn để giải quyết các tranh chấp về thương mại (số vụ kiện thương mại có nguyên đơn là doanh nghiệp tư nhân trong năm 2007 đã tăng 130% so với năm 2006).
Cuối cùng, chỉ số về ưu đãi đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) cũng ở mức thấp nhất trong bốn năm qua. Chỉ có 39% số doanh nghiệp cho biết có tình trạng ưu đãi rõ rệt đối với DNNN. Trên 50% số doanh nghiệp tin rằng chính quyền tỉnh có thái độ tích cực đối với doanh nghiệp tư nhân và số DNNN hoạt động tại tỉnh đã giảm 60% tính từ năm 2000. Mặc dù vậy các doanh nghiệp vẫn lo ngại về các ưu đãi dành cho các tập đoàn.
...Nhưng chỉ số chung sụt giảm
Theo nhóm nghiên cứu, phần lớn các chỉ số thành phần của năm nay cải thiện không nhiều, ngoại trừ một vài chỉ số nêu ở phần trên, vì vậy có thể nói không có sự thay đổi lớn về chất lượng điều hành kinh tế năm nay của cấp tỉnh.
Điểm số PCI 2008 ở tất cả các nhóm xếp hạng nhìn chung thấp hơn so với năm trước. Tỉnh trung vị trong PCI 2008 có điểm số thấp hơn năm ngoái 2,4 điểm, giảm từ 55,6 điểm của năm 2007 xuống còn 53,2 điểm. Mức giảm lớn về điểm số tập trung vào hai chỉ số thành phần là chính sách phát triển khu vực kinh tế tư nhân và đào tạo lao động, cũng là hai chỉ số đã bị giảm điểm từ năm ngoái. Do đây là hai trong số bốn chỉ số có trọng số cao nhất (15%) nên tác động của chúng đến chỉ số chung khá lớn.
Một điểm đáng lưu ý là điểm số thấp ở hai chỉ số này được ghi nhận ở hầu hết các tỉnh và phần nào cho thấy sự không hài lòng của khu vực tư nhân đối với hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước trong việc phát triển kinh tế. Trong một số trường hợp sự không hài lòng này xuất phát từ sự giảm sút chất lượng dịch vụ công hoặc do chính quyền tỉnh không đáp ứng được sự kỳ vọng của doanh nghiệp.
Một khác biệt nữa về kết quả PCI của năm nay là sự dịch chuyển trong các nhóm tỉnh xếp hạng. Số tỉnh nằm trong nhóm “rất tốt” và “tốt” ít hơn so với năm ngoái, lần lượt là 3/4 và 10/13. Trong khi đó số tỉnh thuộc nhóm thấp và tương đối thấp lại tăng lên, 18 so với 10.
Năm nay, lần đầu tiên Đà Nẵng đã vượt qua Bình Dương (luôn ở vị trí dẫn đầu trong ba năm qua) để đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI với điểm số 72,18 (thấp hơn điểm số của Bình Dương năm ngoái là 77,2). Bình Dương đứng thứ hai với 71,76 điểm, một sự cách biệt rất nhỏ về mặt điểm số với Đà Nẵng. Một gương mặt khác lọt vào tốp ba, cũng là tốp được đánh giá rất tốt, là Vĩnh Phúc. Cả hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đều tụt hạng. Trong khi TPHCM vẫn thuộc nhóm được đánh giá tốt nhưng thứ hạng cũng sụt từ thứ 10 xuống 13, thì Hà Nội lại rơi khỏi nhóm khá của năm trước để xuống nhóm trung bình. Ở cuối bảng xếp hạng năm nay có thêm ba gương mặt mới là Kontum, Bạc Liêu và Bắc Kạn bên cạnh ba gương mặt cũ là Cao Bằng, Đắk Nông và Điện Biên.
Chỉ số cơ sở hạ tầng - nhân tố mới
Năm nay nhóm nghiên cứu đã đưa thêm yếu tố cơ sở hạ tầng vào phân tích PCI. Khác với chỉ số PCI gốc, chỉ số cơ sở hạ tầng không phải là thước đo đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của địa phương bởi vì rất nhiều chỉ tiêu cấu thành nên chỉ số này nằm ngoài tầm kiểm soát của địa phương. Thực chất, chỉ số này chỉ đánh giá về chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng nói chung, đồng thời là công cụ giúp các doanh nghiệp địa phương ra quyết định đầu tư và giúp các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương xác định các ưu tiên về chính sách phát triển.
Thực ra, trước khi kết quả PCI 2008 được công bố đã có ý kiến lo ngại là “liệu khi đưa yếu tố hạ tầng vào PCI có làm phát sinh cuộc chạy đua quyết liệt để mỗi tỉnh phải có một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế?”. Đây là lo ngại có lý và cũng đã được các nhà nghiên cứu thấy trước. Nhóm nghiên cứu biết rằng vấn đề quy hoạch các công trình hạ tầng quan trọng là do trung ương quyết định và không có lý do gì để mỗi tỉnh đều phải có một cảng biển hoặc sân bay.
Hơn nữa các quyết định về xây dựng cơ sở hạ tầng của trung ương thường là hệ quả hơn là nguyên nhân của phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là các doanh nghiệp ở gần cảng biển hay sân bay thường có lợi thế chi phí thấp hơn và nhiều cơ hội hơn, do đó để đảm bảo tính toàn diện nhóm nghiên cứu quyết định vẫn đưa chỉ tiêu này vào tính toán với hy vọng cung cấp những dữ liệu điều tra hữu ích, giúp các tỉnh phân tích thực trạng và có chính sách phù hợp về phát triển cơ sở hạ tầng ở địa phương.
Mối lo đọng lại
Bên cạnh hai chỉ số thành phần bị sa sút đáng kể trong kết quả PCI năm nay như đã đề cập ở trên, một số vấn đề khác cũng đáng lo ngại và cần được chính quyền tỉnh quan tâm hơn.
Trước hết, chỉ số chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước thay đổi theo chiều hướng đáng lo ngại. Mặc dù điểm trung vị của chỉ số này chỉ giảm từ 6,2 xuống 5,8 điểm, nhưng các chỉ tiêu cấu thành chỉ số này đều sụt giảm. Chẳng hạn, thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để giải quyết các công việc liên quan đến thủ tục hành chính tiếp tục tăng.
Có đến 23% số doanh nghiệp phải bỏ ra trên 10% quỹ thời gian để thực hiện các thủ tục hành chính, trong khi số doanh nghiệp cho rằng có sự cải thiện trong lĩnh vực này không nhiều. Phần lớn các phiền hà về thủ tục này xảy ra sau khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không phải ở khâu thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp (vì hai khâu này đã tốt hơn trong năm qua và không còn là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp như trước đây).
Thứ hai, chi phí không chính thức cũng không có sự cải thiện. Mức độ thường xuyên và giá trị của các khoản chi phí không chính thức cũng như những khó khăn từ việc phải chi trả các khoản này vẫn không thay đổi trong suốt ba năm qua bất chấp các nỗ lực của Chính phủ.
Năm nay, lần đầu tiên Đà Nẵng đã vượt qua Bình Dương (luôn ở vị trí dẫn đầu trong ba năm qua) để đứng đầu trong bảng xếp hạng PCI với điểm số 72,18. Trong khi TPHCM vẫn thuộc nhóm được đánh giá tốt nhưng thứ hạng cũng sụt từ thứ 10 xuống 13, còn Hà Nội thì rơi khỏi nhóm khá của năm trước để xuống nhóm trung bình.
Bình Định từ vị trí 4 năm 2007 xuống thứ 11 năm 2008 nhưng vẫn nằm trong nhóm tốt.
Nguồn: Thời Báo Kinh tế Sài Gòn