Cơ hội từ cải cách hành chính
04/06/2009

 

Quyết tâm đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam đã được giới đầu tư tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa được tổ chức tại TP.HCM hoan nghênh.

 

Quyết tâm đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính để cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh của Chính phủ Việt Nam đã được giới đầu tư tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa được tổ chức tại TP.HCM hoan nghênh.

Cùng với đó, cam kết sẽ hiệu chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo thông lệ quốc tế mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đưa ra tại VBF cũng đã tạo sự đồng thuận cao với các nhóm nhà đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cũng như các hiệp hội doanh nghiệp trong nước.

Phải thừa nhận rằng, môi trường đầu tư Việt Nam vẫn còn không ít rào cản. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đã nhắc tới hai "nút thắt" chưa gỡ được nhiều so với yêu cầu phát triển, đó là nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng (giao thông, cảng biển) và cơ sở hạ tầng mềm (quy định về xếp loại ngân hàng, chiến lược phát triển nguồn nhân lực, cơ chế cải cách thủ tục hành chính...).

Ngay trong phát biểu của các nhóm làm việc tại VBF, những bất cập liên quan đến thủ tục đầu tư vẫn không nhỏ, những quan ngại về hạn chế của cơ sở hạ tầng giao thông còn khá nặng nề... Đặc biệt, tốc độ cải thiện nhanh vẫn là yêu cầu gay gắt của các nhà đầu tư khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến.

Tuy nhiên, ông Alain Cany, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EurCham) cho rằng, sự hồi đáp nhanh chóng và giải quyết tức thời những vướng mắc có thể giải quyết ngay của Chính phủ đã thực sự tăng thêm niềm tin của giới đầu tư với các kế hoạch cải cách của Chính phủ Việt Nam.

"Cải tiến hệ thống pháp lý và thủ tục hành chính theo hướng nhất quán, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế không đòi hỏi vốn đầu tư quá lớn, nhưng lại đem lại hiệu quả cao về chất lượng, tính hấp dẫn cho môi trường đầu tư", ông Cany phân tích và cho rằng, lợi ích mà các nhà đầu tư nhận được từ bước cải thiện hành chính này thực sự hấp dẫn.

Đồng quan điểm, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh cải cách hành chính thông qua những kế hoạch cụ thể, công khai của Đề án 30 (Đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007 - 2010).

Cùng với đó, ông Túc cũng nhắc tới các kế hoạch của Chính phủ về cải thiện quan hệ lao động và chính sách phát triển kinh tế bền vững, trong đó chú trọng các yếu tố bảo vệ môi trường. "Nếu được thực hiện tốt và hiệu quả, đây sẽ là những điều kiện căn bản để Việt Nam khai thông các nguồn vốn, kể cả nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, trong bối cảnh nguồn lực tài chính thế giới tiếp tục hạn chế", ông Túc nói.

Đề án 30 đang được kỳ vọng là "chìa khóa" cho những nút thắt mềm trong thủ tục hành chính của Việt Nam. Nhìn vào số liệu thống kê gần 4.000 thủ tục hành chính, trên 46.000 phiên bản thủ tục hành chính... tính tới tháng 5/2009 mà ông Phạm Văn Phượng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ công bố tại VBF, có thể thấy, thách thức không nhỏ cho phía các cơ quan hành chính của Việt Nam cũng như yêu cầu tiếp tục song hành của cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư.

Ông Fred Brucker, Trưởng nhóm nghiên cứu về cải cách hành chính (tại VBF) cho biết, Đề án 30 đã "chạy" được 60% kết quả và còn tiếp tục phải đẩy mạnh. "Bên cạnh tháo gỡ thủ tục, chất lượng đội ngũ công chức cũng cần phải được nâng cao.

Khi chi phí hành chính của nhà đầu tư giảm, cơ hội lợi nhuận của họ sẽ tăng lên và nền kinh tế cũng sẽ hưởng lợi chung từ nỗ lực này", ông Fred Brucker nói và đề nghị Chính phủ Việt Nam tiếp tục mở rộng kênh thông tin để các nhà đầu tư đóng góp ý kiến vào các kế hoạch cải thiện thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư - kinh doanh...

Các kiến nghị của giới đầu tư, kinh doanh sẽ được VBF gửi tới Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam được tổ chức vào các ngày 8 - 9/6 tại Đắk Lắk

Nguồn: Báo Đầu tư