Lào xây dựng nhiều chính sách thu hút đầu tư
01/06/2009

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Som Vang Ninthavong, Tham tán Kinh tế và Thương mại Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam cho biết, đầu tư của Việt Nam là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, hỗ trợ sự phát triển của các địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhân dân Lào.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Som Vang Ninthavong, Tham tán Kinh tế và Thương mại Đại sứ quán CHDCND Lào tại Việt Nam cho biết, đầu tư của Việt Nam là một yếu tố quan trọng để thúc đẩy kinh tế Lào phát triển, hỗ trợ sự phát triển của các địa phương, tạo công ăn việc làm cho nhân dân Lào.

Thưa ông, Chính phủ Lào đã đề ra những giải pháp nào để đối phó với khủng hoảng và phát triển?

Chính phủ Lào đã và đang tập trung thực hiện rất quyết liệt một số giải pháp để ngăn chặn suy giảm kinh tế do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Cụ thể, chúng tôi tiếp tục thực hiện đường lối đổi mới của Đảng về kinh tế, tích cực khai thác và phát triển tiềm năng các thành phần kinh tế.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách đẩy mạnh sản xuất và dịch vụ gắn liền với việc thúc đẩy sản xuất, dịch vụ trong nước, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành sản xuất và dịch vụ mới, để tạo công ăn việc làm và thu nhập trong nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi thúc đẩy đầu tư từ ngân sách nhà nước, huy động vốn từ ngân hàng và các thành phần đầu tư vào các dự án ưu tiên, sớm mang lại lợi nhuận cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp tục huy động sản xuất và dịch vụ, đặc biệt tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra những sản phẩm mới và có giá trị cao. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung minh bạch hóa trong việc quản lý tài chính và tiền tệ.

Với chủ trương thu hút mọi nguồn lực cho phát triển, ông có thể cho biết tình hình đầu tư nước ngoài vào Lào, đặc biệt là đầu tư từ Việt Nam thời gian qua?

Lào đã triển khai chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ năm 1998. Từ đó đến nay, với môi trường đầu tư thuận lợi như chính trị và trật tự xã hội ổn định, pháp luật được sửa đổi và hoàn thiện, cơ sở hạ tầng được cải thiện và với sự phong phú về tài nguyên thiên nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài đến với Lào ngày càng tăng. Sau hơn 20 năm, Lào đã tiếp nhận tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là 9,5 tỷ USD từ 37 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đầu tư của Việt Nam vào Lào cũng tăng lên theo từng năm và hiện xếp thứ ba sau Thái Lan và Trung Quốc. Trong giai đoạn 2000 - 2008, Lào tiếp nhận từ Việt Nam lượng vốn hơn 811 triệu USD, với 169 dự án. Riêng trong năm 2007-2008, Việt Nam xếp thứ nhất trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào, với tổng vốn hơn 180 triệu USD.

Các nhà đầu tư Việt Nam quan tâm đầu tư nhiều nhất vào ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thủy điện, khoáng sản. Các dự án của Việt Nam đã được cấp phép phần lớn đang được triển khai tốt, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho nhân dân địa phương, đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước Lào, đồng thời làm cho quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt Lào - Việt có tính chất thiết thực hơn.

Trong thời gian tới, Chính phủ Lào sẽ có những chính sách gì để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài?

Trước hết, chúng tôi sẽ sửa đổi, bổ sung và hợp nhất Luật Đầu tư trong nước và Luật Đầu tư nước ngoài thành một, để tạo điều kiện thuận lợi và công bằng giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Chính phủ đã quy định thành 3 khu vực đầu tư với các điều kiện khác nhau về chính sách thuế, nhằm khuyến khích các nhà đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa; hoàn tất việc sửa đổi, bổ sung Luật Mỏ, nhằm đẩy mạnh hoạt động thăm dò và khảo sát khoáng sản và sẽ xem xét việc cấp phép khai thác theo hướng có quy hoạch, đồng thời lưu ý hơn đến lợi ích của người dân địa phương. 

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu mở rộng Danh mục dự án khuyến khích đầu tư nước ngoài và thu hẹp dần Danh mục dự án đầu tư có điều kiện; sửa đổi thủ tục cấp phép theo cơ chế “một cửa”; cải thiện hệ thống cung cấp thông tin về đầu tư…

Ông có lời khuyên nào dành cho các nhà đầu tư Việt Nam có ý định đầu tư vào Lào?

Tôi cho rằng, để đầu tư có hiệu quả tại Lào, trong thời gian tới, các nhà đầu tư Việt Nam cần nghiêm túc tuân thủ mọi quy định pháp luật của Lào và Việt Nam. Song song với việc đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, cần phải coi trọng việc tăng cường tình đoàn kết đặc biệt Lào – Việt. Các nhà đầu tư cần quan tâm đặc biệt đến các dự án với mục đích thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm sang chính thị trường Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu tư