Sáng 28/5/2009, Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Dự án Luật này được xây dựng nhằm khắc phục nhiều bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay như: một số quy định của luật chậm được hướng dẫn thi hành, hay không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu thống nhất, gây trở ngại cho việc triển khai công tác này trong thời gian vừa qua.
Sáng 28/5/2009, Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản. Dự án Luật này được xây dựng nhằm khắc phục nhiều bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay như: một số quy định của luật chậm được hướng dẫn thi hành, hay không còn phù hợp với thực tiễn, thiếu thống nhất, gây trở ngại cho việc triển khai công tác này trong thời gian vừa qua.
Việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự án Luật trên ngay trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, thể hiện quyết tâm của Chính phủ đưa ra các giải pháp đồng bộ cả về xây dựng thể chế và điều hành chính sách kinh tế như các gói kích cầu để chống suy giảm kinh tế, đạt được các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội như Quốc hội đã đề ra.
Đây cũng là lần đầu tiên, một dự án luật áp dụng kỹ thuật lập pháp "dùng một luật sửa nhiều luật" được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 để sửa đồng thời các quy định trong nhiều luật khác nhau về cùng một vấn đề, khắc phục tình trạng chồng chéo, không thống nhất giữa các luật, gây ra các cách hiểu và áp dụng pháp luật khác nhau.
Xử lý những vướng mắc, bức xúc nhất trong thực tế đầu tư xây dựng cơ bản
Dự án Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Nhà ở và một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, nhằm xử lý những vấn đề vướng mắc và bức xúc nhất trong thực tế hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hiện nay. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, tiếp tục cải cách hành chính mạnh hơn nữa, tạo ra môi trường pháp lý thông thoáng, thủ tục hành chính đơn giản, nhanh chóng, thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân; phát huy được quyền chủ động và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý, các tổ chức, cá nhân trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo dự án Luật trên, các nhà đầu tư sẽ được tạo điều kiện trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, điều chỉnh dự án, quản lý chi phí, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư trong các khâu: thẩm định, phê duyệt, thi tuyển thiết kế kiến trúc và thẩm định thiết kế cơ sở.
Để tháo gỡ các vướng mắc trong thời gian qua về đấu thầu, nhiều vấn đề của Luật đấu thầu đã được sửa đổi, bổ sung như: tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi không được tham gia đấu thầu cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế cho dự án, bỏ quy định hạn mức chỉ định thầu trong luật mà giao Chính phủ quy định chi tiết; tạo sự chủ động, linh hoạt cho người quyết định đầu tư trong việc sơ tuyển nhà thầu, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu; tăng cường phân cấp trong đấu thầu cho chủ đầu tư đi đôi với việc tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử phạt của người quyết định đầu tư,
Theo dự án Luật, cho phép người quyết định đầu tư được quyền hủy, đình chỉ, không công nhận kết quả lựa chọn nhà thầu khi có căn cứ cho thấy có hành vi sai trái trong quá trình lựa chọn nhà thầu làm thiệt hại lợi ích của nhà nước, nhằm rút ngắn thời gian trong đấu thầu và gắn trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư đối với chất lượng và tiến độ của dịch vụ tư vấn, hàng hóa và công trình.
Đồng thời, tăng cường chế tài xử lý vi phạm pháp luật về đấu thầu, như hành vi không bán hồ sơ mời thầu, sử dụng lao động trái phép đối với gói thầu không bảo đảm chất lượng và tiến độ theo thỏa thuận trong hợp đồng; xử lý các vướng mắc về thủ tục đấu thầu, các tiêu chí về chỉ định thầu, nguyên tắc xây dựng hợp đồng, thanh toán cho nhà thầu, điều chỉnh hợp đồng, xử lý tình huống trong đấu thầu.
Thống nhất cấp 1 giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và tài sản
Một nội dung rất quan trọng được đưa ra sửa đổi lần này là thống nhất cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở được quy định trong Luật Nhà ở.
Đây là nội dung thực hiện Nghị quyết số 07/2007/QH12 ngày 12/11/2007 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 yêu cầu Chính phủ rà soát, sửa đổi những vướng mắc trong Luật Đất đai, Luật Nhà ở và các luật có liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, thống nhất cấp một loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng với quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên cơ sở Luật Đất đai, giao cho một cơ quan làm đầu mối thực hiện.
Dự thảo luật đưa ra phương án thống nhất cấp 1 Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo 1 mẫu thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành, thẩm quyền cấp theo quy định của Luật Đất đai hiện hành là phương án phù hợp và khả thi trong tình hình thực tế hiện nay.
Nếu phương án này được Quốc hội thông qua sẽ tháo gỡ được những ách tắc khó khăn trong việc cấp giấy và đăng ký các biến động về đất và tài sản gắn liền với đất trong nhiều năm qua, tạo thuận lợi trong việc xác lập tính pháp lý cho người có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong các giao dịch dân sự như: thế chấp, chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, bồi thường giải phóng mặt bằng,… giảm tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, nhà ở kéo dài.
Dự thảo luật cũng khẳng định các loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật trước ngày Luật này có hiệu lực vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang giấy mới. Nếu có nhu cầu hoặc khi chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì được cấp giấy mới theo quy định của Luật này.
Việc sửa đổi vấn đề này cũng dẫn đến bãi bỏ một số điều liên quan đến trình tự, thủ tục quy định tại Luật Đất đai và Luật Nhà ở và giao Chính phủ quy định thống nhất thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống luật pháp về lĩnh vực này, góp phần quan trọng cải thiện môi trường đầu tư ở nước ta, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư, đặc biệt là đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội trong bối cảnh suy giảm kinh tế, giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc, bức xúc của các nhà đầu tư, giải quyết được những chồng chéo, không nhất quán trong hệ thống luật pháp liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, thống nhất quản lý về đầu tư xây dựng cơ bản, minh bạch hóa trong quản lý đầu tư tạo điều kiện để hội nhập kinh tế quốc tế./.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ