Phát triển bền vững khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài
11/12/2008

 

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Phát triển bền vững khu vực kinh tế này là nhiệm vụ rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.

 

Khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã và đang góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Phát triển bền vững khu vực kinh tế này là nhiệm vụ rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay. 

Bứt phá cả về lượng  và chất 

Theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư, trong 11 tháng đầu năm nay, nước ta có thêm 1.059 dự án FDI được cấp phép, đạt tổng vốn đăng ký 59 tỷ USD; cộng với gần 1,1 tỷ USD của 242 lượt dự án đăng ký tăng vốn để mở rộng quy mô hoạt động, tổng vốn đăng ký FDI đã đạt hơn 60 tỷ USD, gấp sáu lần kết quả của cả năm 2006 và ba lần cả năm 2007. Như vậy, sau hai năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), nước ta đã thu hút thêm 2.504 dự án mới cùng với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 80,4 tỷ USD, gấp gần 1,3 lần kết quả của cả những năm trước (1988 - 2006). 

FDI tại Việt Nam đã có bước chuyển biến cả về lượng và chất. Trước đây, trong tốp dẫn đầu về vốn và công nghệ, chủ yếu là những nước và vùng lãnh thổ châu Á, châu Âu, thì nay đã có sự góp mặt của Ca-na-đa, Hoa Kỳ... cùng với sự tham gia ngày càng lớn một số khu vực như Ấn Ðộ, Trung Ðông... FDI từng tập trung chủ yếu vào một số địa phương có cơ sở hạ tầng tương đối phát triển như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu..., nay đã hướng mạnh tới Ninh Thuận, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Phú Yên, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Kiên Giang... Chiến lược xây dựng và phát triển các vùng kinh tế ven biển đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. 

Ðặc biệt, trong hai năm vừa qua đã xuất hiện một số dự án công nghiệp quan trọng, như lọc hóa dầu tại Thanh Hóa, sắt thép tại Hà Tĩnh... cùng với một số dự án quy mô đầu tư lớn trong lĩnh vực dịch vụ và bất động sản, như  xây dựng khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, trung tâm đại học quốc tế, cảng trung chuyển quốc tế phù hợp yêu cầu sự nghiệp CNH, HÐH đất nước.

Ðạt được kết quả nêu trên, trước hết nhờ môi trường đầu tư tại Việt Nam không ngừng cải thiện, trong đó, sự ổn định an ninh chính trị luôn đóng vai trò hàng đầu. Ðường lối đối ngoại nhất quán "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế..." đã cuốn hút nhà đầu tư từ các châu lục. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN không ngừng được hoàn thiện cùng với việc thực hiện theo lộ trình cam kết WTO và nền kinh tế phát triển năng động đã và đang tạo ra động lực thúc đẩy làn sóng FDI mới "đổ bộ" vào Việt Nam. Thêm vào đó là hiệu quả của các hoạt động đối ngoại của lãnh đạo Ðảng, Nhà nước và Chính phủ liên tục trong thời gian qua. Ðiều này được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm mới đây khẳng định: Ngoại giao kinh tế đã góp phần tạo dựng nền tảng vật chất cho mối quan hệ ngày càng đan xen về lợi ích giữa Việt Nam với các nước, trong đó FDI là mảng quan trọng trong hoạt động kinh tế đối ngoại. 

FDI là một bộ phận quan trọng 

Trong số gần 9.700 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký  hơn 145 tỷ USD, có hơn 4.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Ðây là một phần quan trọng của nền kinh tế đất nước. Tính tới cuối tháng 11-2008, khu vực kinh tế này chiếm hơn 40,7% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước, nếu không tính dầu mỏ và khí đốt thì chiếm hơn 35%, tăng mạnh so với tỷ trọng  22,2% và 30,9% của năm 2000. Ðó là tính theo giá cố định năm 1994, nếu tính theo giá thực tế, khu vực doanh nghiệp này hiện đóng góp gần 50% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. 

Trong tình hình lạm phát và chi phí đầu vào tăng cao, giá trị sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp FDI 11 tháng đầu năm nay vẫn tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng trưởng sản xuất của công nghiệp nhà nước chỉ tăng 5,6% và công nghiệp ngoài quốc doanh chỉ tăng 20,4%. Ðặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa, khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp 55,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 11 tháng đầu năm nay (năm 2000 mới chiếm 45,4%), nếu không tính dầu thô, chiếm hơn 38,4%. 

Theo Cục Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư), chưa tính 9,94 tỷ USD thu từ xuất khẩu dầu thô, tổng doanh thu của khu vực doanh nghiệp FDI 11 tháng đầu năm 2008 ước đạt 45,45 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm 2007, góp phần đáng kể vào việc phát triển sản xuất, kinh doanh và kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu  của đất nước. Hiện có hơn 1,45 triệu người đang làm việc trong các doanh nghiệp FDI (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước), tuy đời sống của người lao động, nhìn chung,  chưa được cải thiện rõ nét và còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tay nghề và trình độ chuyên môn của họ không ngừng được nâng cao. 

Một trong những hạn chế cơ bản của môi trường đầu tư Việt Nam hiện nay là sức hấp thụ yếu, khoảng cách giữa vốn đăng ký cấp mới và vốn thực hiện ngày càng lớn. Vốn thực hiện mới đạt 10 tỷ USD so với hơn 60 tỷ USD vốn đăng ký trong 11 tháng đầu năm nay là một minh chứng khá rõ nét. Tuy nhiên, vẫn cần ghi nhận kết quả đó, bởi theo Cục Ðầu tư nước ngoài, mức giải ngân này đã tăng 44,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó phần góp của bên Việt Nam chỉ chiếm 10 - 12%). Hơn nữa, đây là mức kỷ lục so với các mức giải ngân 7,1 tỷ USD của thời kỳ 1991 - 1995, 13,5 tỷ USD của thời kỳ 1996 - 2000, 14,3 tỷ USD của 2001 - 2005 và 8,7 tỷ USD của hai năm 2006 - 2007. 

Ðạt được kỷ lục này một phần do những dự án có quy  mô đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006 đến nay chủ yếu thuộc các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; mặt khác, tiến độ giải phóng mặt bằng cho dự án (khâu trở ngại đầu tiên trong triển khai dự án) đã và đang được các bộ ngành, chính quyền các địa phương đốc thúc quyết liệt. Việc ký kết hợp đồng san lấp mặt bằng Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn diễn ra vừa qua với "chiến dịch 30 ngày đêm cho mục tiêu san lấp 25.000 m3/ngày" là biểu hiện tinh thần quyết tâm thực hiện dự án của phía Việt Nam. 

FDI đã từng là một trong những nhân tố quan trọng giúp kinh tế Việt Nam thoát khỏi khủng hoảng của thời kỳ 1995 trở về trước và cũng sẽ đóng vai trò không kém trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, nếu không bỏ lỡ cơ hội đầy hứa hẹn sắp tới và vượt qua thách thức của chính mình.

Nguồn : Báo Nhân dân