Sửa 8 luật để đón làn gió đầu tư mới
24/04/2009

 

Dùng một luật sửa đổi 8 luật chuyên ngành là phương án lần đầu tiên Chính phủ áp dụng để tháo gỡ những vướng mắc cơ bản liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Cách làm này nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) và nhiều đại biểu QH, mặc dù còn không ít ý kiến lo ngại.

 

Dùng một luật sửa đổi 8 luật chuyên ngành là phương án lần đầu tiên Chính phủ áp dụng để tháo gỡ những vướng mắc cơ bản liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB). Cách làm này nhận được sự đồng thuận của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) và nhiều đại biểu QH, mặc dù còn không ít ý kiến lo ngại.

Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Võ Hồng Phúc khẳng định, Bộ đang muốn thu gọn lại và làm thật kỹ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB để có thể trình QH thông qua ngay trong kỳ họp vào tháng 5 này. Qua đó, tạo điều kiện đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư XDCB trong năm 2009 và các năm tiếp theo, góp phần thực hiện tốt các giải pháp kích cầu đầu tư, ngăn ngừa suy giảm kinh tế. Hiện Chính phủ đã chính thức đề nghị sửa đổi, bổ sung 52 điều thuộc 8 đạo luật và nghị quyết xây dựng luật (Xây dựng, Đầu tư, Đấu thầu, Doanh nghiệp (DN), Thuế thu nhập DN, Đất đai, Bảo vệ môi trường, PCCC và Nghị quyết 66/2006/QH11) gộp vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB.

Một thay đổi quan trọng lần này ở Luật Đấu thầu là sẽ phân cấp mạnh hơn cho chủ đầu tư từ phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả đấu thầu, xử lý tình huống trong đấu thầu cho đến quy định rõ người có thẩm quyền được quyết định các hình thức lựa chọn nhà thầu phù hợp, gồm cả chỉ định thầu.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia quy định trong Luật Xây dựng, sửa đổi theo hướng Thủ tướng chỉ quyết định đầu tư các dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn Nhà nước. Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho các bộ và Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đầu tư các dự án, công trình quan trọng quốc gia khác. Điều này được Ban soạn thảo luật kỳ vọng là sẽ tăng tính chịu trách nhiệm và giải trình của chủ đầu tư. Tuy nhiên, do hiện nay đang có tình trạng là năng lực các địa phương rất thấp, nhiều chủ đầu tư không có kiến thức chuyên môn về quản lý dự án, đấu thầu, xây dựng dẫn tới việc đầu tư, tiêu tiền Nhà nước kém hiệu quả. Vì lẽ đó, tuy kiến nghị phân cấp mạnh hơn, nhưng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng nên làm chọn lọc và thí điểm trước.

Sửa luật để giảm khiếu kiện phức tạp

Về lĩnh vực đất đai, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Thế Ngọc phân tích, những vấn đề gây bức xúc hiện nay là giá đất, xác định mức bồi thường... Do đó, mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đang được bàn thảo, nhưng ngay trong dự án luật liên quan đến đầu tư XDCB lần này, Chính phủ cũng đề xuất sửa điều khoản quy định về giá đền bù GPMB và xác định khung giá đất theo hướng tạo sự bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài. Cụ thể, ở lĩnh vực bồi thường khi thu hồi đất, Chính phủ đề xuất sửa theo hướng áp giá bồi thường tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường (luật hiện hành quy định việc bồi thường được áp dụng theo mức giá tại thời điểm có quyết định thu hồi). Việc định giá đất "sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường" cũng được đề nghị sửa thành "phù hợp với giá đất thực tế tại địa phương". Một điều chỉnh đáng lưu ý nữa là để không gây khó cho địa phương khi mỗi năm phải rà soát và xác định lại giá đất một lần, dự án luật đề xuất các tỉnh xây dựng phương án giá đất theo chu kỳ 5 năm/lần. Các sửa đổi trên được xây dựng trên cơ sở hiện nay thời điểm ban hành quyết định thu hồi và thời điểm bồi thường, GPMB khác nhau và giá trị đất tại hai thời điểm này chênh lệch tương đối lớn. Đây là nguyên nhân gây ra nhiều khiếu kiện và dẫn tới tiến độ bồi thường, GPMB bị kéo dài, ảnh hưởng tiến độ đầu tư...

Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế của QH Hà Văn Hiền, bức xúc nhất hiện nay là tiến độ các dự án dùng vốn nhà nước chậm, tiền giải ngân không hết chuyển sang năm sau rất lớn, nguyên nhân là do thủ tục đầu tư XDCB còn nhiều vướng mắc, rườm rà. Để góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, kích cầu đầu tư, cần xử lý ngay những vướng mắc về chỉ định thầu, quy trình, thủ tục đầu tư, giá đền bù, bồi thường, GPMB… để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư và DN.

Theo Báo Hà Nội Mới