Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) để kịp trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đang khẩn trương hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) để kịp trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 5 tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Bích Đạt, lĩnh vực đầu tư XDCB hiện liên quan đến ít nhất 15 luật, trở ngại cho việc triển khai thực hiện đầu tư XDCB ở các bộ, ngành, địa phương tựu chung lại là, một số nội dung của các luật đang không thống nhất và không phù hợp với thực tiễn.
Mặc dù diện liên quan rộng như vậy, nhưng do chưa rà soát được toàn bộ các văn bản pháp luật, cũng như văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề này, nên Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư XDCB chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung 8 bộ luật (Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy) và Nghị quyết 66/2006/NQ - QH của Quốc hội. Mặc dù chưa rà soát đến toàn bộ, nhưng Dự án Luật vẫn bao quát toàn bộ quá trình đầu tư từ kế hoạch nguồn vốn, chuẩn bị dự án đầu tư, triển khai thực hiện, quản lý vận hành công trình, dự án.
Cũng như tất cả các đại biểu Quốc hội tham dự Phiên họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa bày tỏ quan điểm đồng tình với việc sớm trình Quốc hội thông qua Dự án Luật, tuy nhiên, ông Kiêm lại băn khoăn khi Dự luật quy định, tổ chức, cá nhân khi tham gia vào các khâu của quá trình XDCB như tư vấn thiết kế, lập dự án đầu tư, giám sát thi công, khảo sát xây dựng công trình… đều phải có đủ điều kiện năng lực.
“Nếu Chính phủ không có quy định cụ thể về nội dung này, nhiều khả năng lĩnh vực XDCB sẽ nảy sinh ra nhiều giấy phép con. Bởi theo quy định, năng lực hành nghề xây dựng của cá nhân (kinh nghiệm và đạo đức nghề nghiệp) do một tổ chức chuyên môn đào tạo hợp pháp xác nhận. Mọi cá nhân hoạt động thiết kế quy hoạch, khảo sát xây dựng, thiết kế công trình, giám sát thi công khi hoạt động độc lập phải có chứng chỉ hành nghề”, ông Kiêm dự báo.
Cũng về điều này, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam lại cho rằng, nếu như năng lực hành nghề của cá nhân được xác nhận hoặc được cấp chứng chỉ hành nghề, thì việc xác nhận đối với tổ chức hành nghề XDCB lại được ràng buộc bằng những quy định không rõ ràng, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công trình, dự án.
Ông Hùng cho biết: “Trên thế giới, các doanh nghiệp xây lắp được phân làm 3 loại khác nhau, dựa vào chứng nhận của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trên cơ sở năng lực tài chính, kinh nghiệm thực tế, chất lượng các công trình đã xây dựng, uy tín của doanh nghiệp trên thị trường.
Doanh nghiệp ở cấp độ nào được tham gia đầu tư, xây dựng loại công trình nào được quy định rất rõ ràng, tránh tình trạng doanh nghiệp không có đủ năng lực vẫn tham gia đấu thầu các công trình, sau đó mua đi, bán lại kiếm lời. Còn tại Việt Nam, chỉ riêng tại TP.HCM đã có đến 24.200 doanh nghiệp xây lắp, nhưng không thể biết được năng lực của họ đến đâu, vì không có tổ chức nào xác nhận”. Vì vậy, ông Hùng cho rằng, Dự án Luật phải quy định cụ thể về vấn đề này.
Đánh giá tổng thể Dự án Luật, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc cho rằng, từ khâu giải phóng mặt bằng, khâu chuẩn bị các thủ tục đầu tư, đến khâu thanh quyết toán công trình và cuối cùng là khâu đưa dự án, công trình vào sử dụng hiện nay đều vướng mắc. Ban soạn thảo Dự án Luật đã tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề vướng mắc nhất, bức xúc nhất trong một số luật, nhằm giải quyết ngay những nút thắt trong đầu tư XDCB, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến trình tự, thủ tục đầu tư.
“Tôi đồng tình với việc phải ban hành Luật, tuy nhiên, cách thiết kế Dựa án Luật theo kiểu hàng ngang (sửa từng luật) sẽ khiến các đại biểu Quốc hội rất khó hình dung Dự án Luật này có giải quyết cơ bản những vướng mắc đang phát sinh hay không. Để Quốc hội thấy được tổng thể, cần thiết kế lại Dự án luật theo hàng dọc, tức là các khâu thực hiện, vướng luật nào sửa luật ấy”, ông Phúc đề xuất.
Theo: Báo Đầu tư