Ấn tượng Tết Bunpimay
16/04/2009

 

Nhắc đến Bunpimay (Lễ hội mừng năm mới của người Lào, tương tự Tết Nguyên đán của người Việt), người ta sẽ nghĩ ngay đến các phong tục truyền thống độc đáo của xứ sở Triệu Voi như cột chỉ tay, té nước, múa Lămvông và những lời chúc may mắn. Bunpimay luôn gây ấn tượng tốt đẹp không chỉ với người Lào.

 

Nhắc đến Bunpimay (Lễ hội mừng năm mới của người Lào, tương tự Tết Nguyên đán của người Việt), người ta sẽ nghĩ ngay đến các phong tục truyền thống độc đáo của xứ sở Triệu Voi như cột chỉ tay, té nước, múa Lămvông và những lời chúc may mắn. Bunpimay luôn gây ấn tượng tốt đẹp không chỉ với người Lào.

* Người Việt đón Tết Bunpimay ở Lào

Trong hơn 20 năm sống và chiến đấu ở Lào, ông Nguyễn Đình Lữ, một cựu chiến binh và hiện là hội viên Hội Hữu nghị Việt-Lào tại Bình Định cũng đã chừng ấy lần đón Tết Bunpimay ở nước bạn. Ông kể: “Dù đã biết trước về lễ hội này, nhưng tôi cũng như đồng đội ai cũng bất ngờ. Chúng tôi tập trung đón Tết ở nhà một người bạn. Mọi người cùng cầu nguyện, rồi buộc chỉ tay, té nước vào nhau, sau đó, ăn uống và nhảy múa. Người Lào rất thân thiện, dù chỉ là một người khách qua đường thì bạn vẫn được chào mời cùng đón hội với họ. Tết truyền thống của người Lào mang tính cộng đồng rất cao. Nhiều nơi, cả làng cùng làm lễ”.

Sống lâu năm ở Lào nên ông Lữ không còn xa lạ với bất cứ phong tục, lễ hội nào của những người bạn Lào. Bởi vậy, dù về Việt Nam đã lâu, cứ đến tháng 4 hàng năm, lòng ông lại cồn lên nỗi nhớ có tên Bunpimay. Nhiều năm qua, đến mùa lễ hội này, ông lại vào Trường Đại học Quy Nhơn, để hít thở không khí Tết Bunpimay cùng các sinh viên Lào đang học tập tại đây.

Là một trong sáu cán bộ của tỉnh Bình Định sang Lào học ngôn ngữ vào năm 2007, chị Nguyễn Thị Hồng Sỹ, chuyên viên Sở Kế hoạch - Đầu tư Bình Định, mang theo mình sự háo hức được đón Tết Lào. Chính vì vậy, chị đã quyết định ở lại Lào một mình (5 người kia về nước trước), để khám phá nét văn hóa đặc sắc này của đất nước Triệu Voi.

Chị Sỹ nhớ lại: “Để chuẩn bị đón Tết, người dân ở bản Thàttỉn, thành phố Pakse, tỉnh Chămpasăk, nơi tôi lưu trú, trồng cây trước nhà. Tết đến, tôi theo mọi người lên chùa. Lần đó, tôi đến đón Tết ở nhà thầy giáo. Trong số các đồ ăn, thức uống, tôi thích nhất món bánh khậu tôm (giống bánh ít của người Việt). Bánh rất dễ ăn, có vị thơm của nếp, vị ngọt của nước cốt dừa. Một kỷ niệm không bao giờ quên là lần đầu tiên bị té nước, tôi bị xịt bằng một cái ống lớn, làm cả người ướt nhem. Mọi người kéo đến quanh tôi, nồng nhiệt chúc mừng, vì như vậy là năm ấy tôi sẽ gặp được nhiều may mắn”.

* Người Lào đón Bunpimay trên đất Việt

Chiều ngày 14.4, hơn 100 sinh viên Lào và Việt Nam đã đón Tết Bunpimay tại Trường Đại học Quy Nhơn. Dù chỉ là một “nét Tết Lào trên đất Việt”, nhưng mọi việc được chuẩn bị rất kỹ lưỡng và thực hiện đầy đủ thủ tục trong phần lễ.

Sinh viên Phạt Thá Ná ở Sêkông, đến Bình Định gần 5 tháng và đang học tiếng Việt, cho biết: “Nhiều bạn trong phòng, trong lớp của em đã về Lào đón Tết. Nhưng em muốn ở lại để đón Tết Bunpimay ở Việt Nam. Em rất bất ngờ vì Tết Bunpimay ở đây cũng thật vui. Đây là lần đầu tiên, em đón Tết cùng với nhiều bạn bè như vậy. Mấy ngày qua, chúng em cùng làm bánh, trang trí phòng, chuẩn bị mọi thứ. Mệt mà vui lắm. Luôn luôn có bạn bè bên cạnh, nên em thấy đỡ nhớ nhà”.  

Với Phonvilay Vônghathếp, cũng đến từ Sêkông, thì đây đã là lần thứ ba cô đón Tết Bunpimay trên đất Việt. Phonvilay Vônghathếp cho biết, Tết Bunpimay của người Lào không thể thiếu bánh khậu tôm, giống như Tết Việt phải có bánh chưng, bánh tét. Khậu tôm có hai loại: bánh mặn và bánh ngọt. Nhưng vì ở ký túc xá, nên các sinh viên Lào chỉ có thể nấu loại bánh ngọt, vì dễ làm hơn.

“Nấu bánh là phần vất vả nhất, nhưng cũng vui nhất. Để làm bánh, cần có nếp, đường, đậu, dầu, hành, nước cốt dừa. Năm nay, chúng tôi làm 20 kg nếp, được hơn 300 cái bánh. 30 nữ sinh viên Lào đã cùng tụ tập lại để gói bánh, rồi đem nấu ở trước ký túc xá, làm từ sáng đến tối mới hoàn thành. Không khí đón Tết ở đây luôn rộn ràng. Giữa tháng 5 này, bảo vệ xong luận án Thạc sĩ, tôi sẽ trở về Lào. Đón Tết Bunpimay ở nhà những năm sau đó, chắc chắn tôi sẽ rất nhớ không khí ở Việt Nam. Ở đây, dù không có gia đình bên cạnh, nhưng chúng tôi thường được các bạn và thầy cô Việt Nam chia sẻ, giúp đỡ nên vẫn thấy vui mỗi lần đón Tết” - Phonvilay Vônghathếp nói.
Theo Binh Dinh Online