Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định
29/08/2024

 

Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm cụ thể hóa hiệu quả Chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh.

 

Ảnh minh họa

Theo đó, về mục tiêu chung của Kế hoạch là phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, nâng cao tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi, gắn với giết mổ tập trung công nghiệp và phát triển công nghiệp chế biến, đáp ứng yêu cầu chất lượng, an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong tỉnh, trong nước và hướng tới xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Phát huy tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với phát triển các chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng.

Cùng với mục tiêu chung, Kế hoạch xác định các mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2030:

+ Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi đối với 03 loại vật nuôi chủ lực của tỉnh là bò, lợn, gà gắn với việc phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường, với tổng đàn bò: 350.000 con, đàn lợn: 01 triệu con, đàn gà: 12 triệu con. Duy trì mức tăng trưởng giá trị sản xuất chăn nuôi giai đoạn 2026 - 2030 trung bình từ 4,5 đến 5%/năm.

+ Sản lượng thịt các loại 300.000 tấn/năm. Sản lượng trứng: 650 triệu quả trứng/năm. 

+ Tỷ trọng gia súc và gia cầm được giết mổ tập trung đạt tương ứng khoảng 80% và 70%. Tỷ trọng thịt gia súc, gia cầm được chế biến so với tổng sản lượng thịt từ 25 đến 30%. 

+ Xây dựng vùng chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Hoài Ân, An Nhơn, Hoài Nhơn, Phù Cát; vùng an toàn dịch bệnh Dại tại Quy Nhơn, một số địa phương thuộc An Nhơn, Hoài Nhơn; vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tuy Phước, An Nhơn, Phù Cát, Phù Mỹ; vùng chăn nuôi bò an toàn dịch bệnh tại một số địa phương thuộc Tây Sơn, Phù Cát, Phù Mỹ.

+ Toàn tỉnh phấn đấu đạt 90 trang trại quy mô lớn, 200 trang trại quy mô vừa, trong đó chăn nuôi ứng dụng công công nghệ cao, chuyển đổi số với 100% trang trại quy mô lớn và 50% trang trại quy mô vừa. 

+ Tiếp tục hình thành và nhân rộng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi.

- Đến năm 2045:

+ Không chú trọng phát triển tổng đàn gia súc mà tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thịt gia súc; chú trọng phát triển đàn gà thịt, gà trứng; phát triển chăn nuôi trang trại tập trung theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường; phát huy hiệu quả hoạt động các chuỗi liên kết. 

+ Sản lượng thịt các loại từ 350.000 đến 370.000 tấn/năm. Sản lượng trứng: 900 triệu quả trứng/năm. 

+ 100% sản phẩm thịt gia súc, gia cầm hàng hóa được cung cấp từ các cơ sở giết mổ tập trung, công nghiệp và trên 70% khối lượng sản phẩm chăn nuôi chính được qua sơ chế, chế biến công nghiệp, trong đó khoảng 30% được chế biến sâu. 

+ Tập trung phát triển các vùng nguyên liệu sản phẩm chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học phục vụ tiêu dùng, chế biến, xuất khẩu.

Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả mục tiêu đề ra. 

Thanh Phong