6 nhóm giải pháp cấp bách trọng yếu kích cầu đầu tư nước ngoài
09/04/2009

 

Nhận định dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, cấp bách để tăng cường thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn quý giá này và yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện ngay.

 

Nhận định dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ từ suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã đề ra 6 nhóm giải pháp chủ yếu, cấp bách để tăng cường thu hút, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn quý giá này và yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện ngay.

Nhìn lại 3 năm qua, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã đóng góp ngày càng tích cực hơn vào quá trình chuyển dịch cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của nước ta.

Tỷ trọng của khu vực kinh tế ĐTNN trong GDP vẫn tiếp tục tăng lên, từ 17,02% năm 2006 lên 17,66% năm 2007, đồng thời góp phần đưa tỷ lệ đầu tư toàn xã hội bình quân lên mức trên 45% GDP trong 3 năm đầu kế hoạch 2006 -2010.

Song, trong Nghị quyết về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn dầu tư trực tiếp nước ngoài trong thời gian tới ban hành ngày 7/4/2009, Chính phủ nhìn nhận, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đang và sẽ làm cho vốn ĐTNN toàn cầu bị thu hẹp và ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam trong thời gian tới.

6 nhóm giải pháp chủ yếu

Để tiếp tục thu hút và quản lý vốn ĐTNN, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai một số nhóm giải pháp cấp bách.

Thứ nhất, về nhóm giải pháp liên quan tới chính sách thu hút đầu tư, Chính phủ chỉ đạo, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về đầu tư, kinh doanh, ban hành các ưu đãi khuyến khích đầu tư vào một số lĩnh vực, thực hiện các biện pháp thúc đẩy giải ngân...

Nhóm giải pháp thứ 2 về quy hoạch. Theo đó, công bố rộng rãi các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, quán triệt và thực hiện thống nhất quy định của Luật Đầu tư trong công tác quy hoạch... Báo cáo rà soát quy hoạch hoàn thành trong quý IV/2009.

Thứ 3 là nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, bao gồm tổng rà soát, điều chỉnh, phê duyệt và công bố các quy hoạch về kết cấu hạ tầng đến năm 2020, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng biển, kêu gọi vốn đầu tư vào các cảng lớn của các khu vực kinh tế như hệ thống cảng Hiệp Phước - Thị Vải, Lạch Huyện...

Thứ 4, trong nhóm giải pháp về nguồn nhân lực, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các văn bản pháp lý về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút ĐTNN đào tạo lao động ở các trình độ, nghiên cứu điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu lao động theo tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ lao động, đặc biệt đối với người nông dân bị thu hồi đất sản xuất để giao cho dự án.

Thứ 5 là nhóm giải pháp về công tác phối hợp trong quản lý nhà nước đối với hoạt động ĐTNN. Theo đó, Trung ương và địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ trong việc cấp phép và quản lý các dự án ĐTNN. Tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý ĐTNN, tiến hành tổng kết, đánh giá việc phân cấp trong quản lý nhà nước về hoạt động ĐTNN...

Thứ 6 là nhóm giải pháp về xúc tiến đầu tư, gồm nghiên cứu đề xuất chính sách vận động, thu hút đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia cũng như có chính sách riêng đối với từng tập đoàn và các đối tác trọng điểm, hoàn thành việc xây dựng thông tin chi tiết về dự án đối với danh mục đầu tư quốc gia kêu gọi đầu tư nước ngoài giai đoạn 2006 - 2010, tổ chức khảo sát, nghiên cứu và xây dựng mô hình cơ quan xúc tiến đầu tư ở Trung ương và địa phương...

Bên cạnh 6 nhóm trên, Chính phủ cũng đề ra một số giải pháp khác như đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành với các nhà đầu tư, đặc biệt là Diễn đàn doanh nghiệp hàng năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra...

Với mỗi giải pháp, Chính phủ phân công cụ thể các Bộ, ngành thực hiện, trong đó, nhiều nhiệm vụ phải hoàn thành trong quý III/2009.

Nguồn: Website Chính phủ