Hiện thực hóa cam kết
01/04/2009

 

Trong ngày hôm qua (31/3/2009), đã diễn ra đồng thời hai sự kiện quan trọng tại Việt Nam và Nhật Bản. Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo, thay mặt Chính phủ Nhật Bản, đã ký Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 83,201 tỷ yên tín dụng ưu đãi thuộc tài khoá 2008 của Nhật Bản (kết thúc vào ngày 31/3/2009).

 

Trong ngày hôm qua (31/3/2009), đã diễn ra đồng thời hai sự kiện quan trọng tại Việt Nam và Nhật Bản. Tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thay mặt Chính phủ Việt Nam và Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Sakaba Mitsuo, thay mặt Chính phủ Nhật Bản, đã ký Công hàm trao đổi về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp cho Chính phủ Việt Nam 83,201 tỷ yên tín dụng ưu đãi thuộc tài khoá 2008 của Nhật Bản (kết thúc vào ngày 31/3/2009).

Trong khi đó, tại Tokyo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam và Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký 4 hiệp định tín dụng cụ thể cho 4 dự án dự kiến sử dụng nguồn vốn nói trên. Các dự án đã được hai bên ký hiệp định tín dụng gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, tuyến số 2, giai đoạn I); Dự án cải thiện môi trường Thành phố Hải Phòng; Dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II nhằm cải thiện môi trường; Dự án tín dụng ngành giao thông - vận tải để nâng cấp mạng lưới đường bộ giai đoạn II.

Như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam (chiều ngày 23/2), lễ ký công hàm và hiệp định tín dụng đã diễn ra, nhằm hiện thực hóa cam kết của Chính phủ hai nước, đồng thời thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.

Một mặt, khoản vốn ODA này sẽ là nguồn lực quan trọng hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và hội nhập kinh tế quốc tế, mà trước tiên là ở 4 dự án cụ thể nói trên. Mặt khác, cũng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh thành công hơn tại Việt Nam.

Việc Việt Nam và Nhật Bản ký kết Công hàm vào ngày hôm qua là một bước khẳng định cho một sự hợp tác bền chặt, cùng có lợi, hướng tới quan hệ đối tác chiến lược của cả hai quốc gia. Chính vì thế, làm sao để sử dụng một cách hiệu quả nguồn vốn này không chỉ là trách nhiệm của phía Việt Nam, mà còn là trách nhiệm của phía Nhật Bản.

Việc hai bên thống nhất thành lập Ủy ban Hỗn hợp phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực ODA của Nhật Bản, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam và Bộ Ngoại giao Nhật Bản làm đầu mối, có thể coi là bước đi quan trọng để thúc đẩy hơn nữa hiệu quả sử dụng của nguồn vốn ODA.

Như vậy, cùng với 83,201 tỷ yên tín dụng ưu đãi được chính thức cam kết ngày hôm qua, cam kết ODA (bao gồm viện trợ không hoàn lại và tín dụng ưu đãi) của Chính phủ Nhật Bản dành cho Chính phủ Việt Nam từ 1992 đến nay đạt 1.477 tỷ yên.

Công hàm và hiệp định tín dụng đã ký. Điều mà cả hai bên mong muốn có lẽ là nguồn vốn này sớm được giải ngân để mang lại hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam và tạo thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.

Nguồn: Báo Đầu tư