Trong Kế hoạch chuyến công tác tại 4 tỉnh Nam Lào, sáng ngày 10/4/2024, Đoàn công tác tỉnh Bình Định do đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh làm Trưởng đoàn đã tham dự và phát biểu tại Diễn đàn hợp tác Thương mại, Đầu tư và Du lịch thúc đẩy Hành lang kinh tế Đông Tây và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) tại Pakse, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Ảnh: Các đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác Thương mại, Đầu tư và Du lịch thúc đẩy Hành lang kinh tế Đông Tây và Tam giác phát triển CLV
Diễn đàn lần này do Tổng Lãnh sự nước CHXHCN Việt Nam tại Pakse, đồng chí Nguyễn Văn Trung chủ trì được đánh giá có ý nghĩa thực chất, hiệu quả, quy mô tổ chức lớn nhất từ trước đến nay tại địa bàn thuộc Hành lang kinh tế Đông Tây và Tam giác phát triển CLV, với dự tham gia 05 tỉnh của Lào (Champasak, Salavan, Sekong, Attapeu, Savannakhet), tỉnh Ubon Ratchathani - Thái Lan, tỉnh Strung-teng và tỉnh Rattanakiri – Campuchia, và 05 tỉnh Kon Tum, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Dương, Quảng Bình - Việt Nam.
Tại Diễn đàn, các địa phương của Việt Nam, Lào, Thái Lan, Campuchia cập nhập, cung cấp thông tin về tiềm năng, thế mạnh, các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư và đề xuất các nội dung hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực thương mại, du lịch; thảo luận và thống nhất về những định hướng và nghiên cứu đề xuất giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác, tạo điều kiện thúc đẩy các hoạt động du lich, thương mạim đầu tư trên tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây, Tam giác phát triển CLV trong điều kiện hiện nay.
Phát biểu tại Diễn dàn, đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng nhận định: Bình Định có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm của trục Bắc - Nam và Đông - Tây; có hệ thống hạ tầng giao thông thuận lợi, bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, trong đó tuyến đường kết nối trục Đông - Tây đã và đang được đầu tư ngày càng hoàn thiện; là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất và thuận lợi nhất của các tỉnh Tây Nguyên của Việt Nam, các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan (qua Quốc lộ 19 ra Cảng biển quốc tế Quy Nhơn), được xem là cánh cửa hướng Đông của Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Hành lang kinh tế phía Nam (SEC) bao gồm các tiểu hành lang và liên hành lang kết nối các thị xã chính và thành phố ở phía Nam của Tiểu vùng Sông Mekong Mở rộng (GMS), được hình thành gồm 3 tuyến đường nối phía Nam Thái Lan qua Campuchia với Việt Nam, trong đó có Bình Định thuộc nhánh Bangkok - Seam Riep - Stung Treng - Rathanakini - Pleiku - Quy Nhơn (tiểu hành lang phía Bắc), với vai trò là cửa ngõ ra biển đông thông qua Cảng biển quốc tế Quy Nhơn, thuộc tỉnh Bình Định. Cảng biển quốc tế Quy Nhơn hiện đang hoạt động rất hiệu quả, đứng thứ 3 ở Việt Nam, có khả năng tiếp nhận các loại tàu đa tải trọng lên đến con số 50.000DWT ra/vào bình thường và tàu 70.000 DWT (giảm tải) đáp ứng nhu cầu thị trường, với lượng hàng thông qua cảng đến 2025 dự kiến đạt 15 triệu tấn.
Về phần mình, tỉnh Bình Định cam kết sẽ ủng hộ và làm hết sức mình để Trục hợp tác Đông Tây và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam sớm được hình thành và phát huy tiềm lực trong phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung và các địa phương liên quan thuộc Trục hợp tác Đông Tây và Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam nói riêng.
Ảnh: đồng chí Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại Diễn dàn
Cũng tại dịp này, Tổ chức Hội chợ triển lãm để các doanh nghiệp Việt Nam, Lào, Thái Lan và Campuchia trưng bày quảng bá các sản phẩm, dịch vụ nổi bật của địa phương, không gian văn hóa, du lịch và giới thiệu cơ hội hợp tác đầu tư với khoảng 150 gian hàng.
Trương Chương