Các doanh nghiệp Thái Lan đã và đang muốn đầu tư vào Việt Nam. Họ đang tìm hiểu các tài liệu nghiên cứu về thị trường Việt Nam và cách thức để đầu tư vào Việt Nam.
Các nhà đầu tư của Thái Lan không thiếu vốn nhưng lo ngại sẽ bỏ lỡ cơ hội vào làm ăn với Việt Nam, những khó khăn đối với các nhà đầu tư Thái Lan hiện nay là thiếu các số liệu về thị trường, chính sách đầu tư của Việt Nam, thiếu sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng. Đối với các nhà đầu tư Thái Lan Việt Nam là thị trường lớn nhưng sự cạnh tranh cũng rất quyết liệt. Rất nhiều nhà đầu tư Thái Lan về lĩnh vực công nghệ thông tin nhìn thấy tiềm năng rất lớn của thị trường công nghệ thông tin ở Việt Nam và họ đang sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam. Các doanh nghiệp kinh doanh trên lĩnh vực xây dựng cũng rất kỳ vọng vào thị trường trang trí nội thất, bất động sản và địa ốc của Việt Nam.
Các công ty kinh doanh trên lĩnh vực ngân hàng, công ty dầu khí quốc gia Thái Lan, các công ty kinh doanh chế biến thực phẩm và chăn nuôi thuỷ hải sản đang rất thành công tại thị trường Việt Nam.
Việt Nam là một nước láng giềng trong khu vực và hợp tác với Thái Lan trên nhiều lĩnh vực, nhưng đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, hiện tại Thái Lan chỉ đứng thứ 8 về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, với 182 dự án, tổng số vốn 5,685,2 tỷ USD còn thấp hơn cả một dự án của tập đoàn thép POSCO Steel của Hàn Quốc với số vốn lên đến 6 tỷ USD.
Khủng hoảng tài chính thế giới không tác động lớn đến hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam như các nước khác, Việt Nam đã khống chế thành công lạm phát, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, riêng trong năm 2008 Việt Nam đã thu hút được 57 tỷ USD đầu tư nước ngoài. Năm 2008, kim ngạch thương mại hai nước đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 3 l,49% so với năm 2007, về thương mại Thái Lan đang có nhiều lợi tức so với Việt Nam, hiện tại hai bên đặt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 10 tỷ USD vào năm 2010. Nhưng mục tiêu này chưa bằng một nửa kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Việt Nam năm 2008 đạt 21 tỷ USD.
Chính phủ không thiếu nguồn vốn và tiềm năng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam. Hiện nay, Chính phủ Thái Lan đang tổ chức một kế hoạch lớn trong năm 2009 nhằm thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam cũng như vào Lào và Cam-pu-chia.
Hiện tại, Thái Lan và Việt Nam đang bước vào một giai đoạn hợp tác quan trọng, mở rộng trên tất cả các lĩnh vực như thương mại, giáo dục - văn hóa, y tế và cũng đang triển khai hợp tác trên lĩnh vực an ninh quốc phòng cho đến hợp tác trên lĩnh vực phòng chống tội phạm quốc tế. Trong chuyến thăm và làm việc với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (28.02.2009), hai bên đã thống thất sẽ tổ chức cuộc họp giữa Việt Nam và Thái Lan về đầu tư. Việt Nam khẳng định chính sách nhất quán của mình đối với Thái Lan, coi Thái Lan là đối tác quan trọng và là nước có vị trí quan trọng trong sự hợp tác của Nhóm nước khu vực sông Mê Kông. Chính phủ Thái Lan khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực.
Hiện nay, Thái Lan đã có kinh nghiệm đầu tư tại Lào và lấy đó làm mẫu để tổ chức bộ máy điều hành, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp Thái Lan đầu tư vào Việt Nam, đầu tư của Thái Lan vào Lào có mục đích rõ ràng với hai ngành quan trọng là ngành năng lượng và khai thác khoáng sản.
Tới đây, Chính phủ và các cơ quan chức năng phải làm việc một cách chặt chẽ, thống nhất trước khi đàm phán với phía Việt Nam. Làm rõ và xác định lĩnh vực mà Thái Lan sẽ ưu tiên đầu tư. Bộ Ngoại giao chuẩn bị thành lập một Uỷ ban chuyên theo dõi về đầu tư tại Việt Nam, Chính phủ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, đồng thời sẽ có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư của Thái Lan đầu tư vào Việt Nam.
Theo Báo điện tử ĐCSVN