Công ty Bidina đẩy mạnh hoạt động đầu tư tại Nam Lào
21/03/2009

 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Nam Lào, tháng 12.2005, Tổng Công ty PISICO đã liên doanh với một số đơn vị thành lập Công ty CP Kinh doanh công nông nghiệp Bình Định (gọi tắt là BIDINA) thực hiện nhiệm vụ đầu tư tại tỉnh Sêkong thuộc nước CHDCND Lào. Qua 3 năm triển khai, hoạt động đầu tư sản xuất của BIDINA đã có bước tiến triển khả quan.

 

Thực hiện chủ trương của tỉnh về việc xúc tiến đầu tư tại các tỉnh Nam Lào, tháng 12.2005, Tổng Công ty PISICO đã liên doanh với một số đơn vị thành lập Công ty CP Kinh doanh công nông nghiệp Bình Định (gọi tắt là BIDINA) thực hiện nhiệm vụ đầu tư tại tỉnh Sêkong thuộc nước CHDCND Lào. Qua 3 năm triển khai, hoạt động đầu tư sản xuất của BIDINA đã có bước tiến triển khả quan.

* 3 năm và những cánh rừng cao su khép tán

Sau khi giải quyết các thủ tục giao nhận đất cùng các thủ tục pháp lý khác, giữa tháng 2.2006, lực lượng cơ giới của BIDINA bắt đầu thực hiện công tác khai hoang để trồng cây cao su tại huyện Thateng thuộc tỉnh Sêkong. Thời gian đầu, vừa triển khai dự án, vừa giải quyết thủ tục đầu tư của hai nước, nên việc thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm.

Đến nay, những vướng mắc đã dần được khắc phục; Công ty đã đi vào hoạt động ổn định, thực hiện được khối lượng công việc khá lớn, làm tiền đề triển khai các bước tiếp theo của dự án. Điều này thể hiện rất rõ khi suất đầu tư bình quân trồng cao su giảm dần qua từng năm: Năm 2006 trên 42 triệu đồng/ha; năm 2007 trên 40 triệu đồng/ha; năm 2008 gần 35 triệu đồng/ha. Trong 3 năm qua (2006 - 2008), BIDINA đã tiến hành khai hoang, trồng mới 1.806,1 ha cao su. Diện tích trồng cao su cũng tăng dần: năm 2006 trồng 416,9 ha; 2007 - 617 ha; 2008 - 772,2 ha.

Về lao động, từ chỗ chỉ có 20 cán bộ và công nhân kỹ thuật người Việt được đưa sang làm việc tại Sêkong, đến nay Công ty đã có 197 người gồm 87 CBNV người Việt và 110 công nhân người Lào đã được ký kết hợp đồng lao động. Ngoài ra, Công ty còn tạo việc làm với thu nhập khá cho hàng trăm lao động người Lào khác. Việc sử dụng có hiệu quả lao động địa phương được lãnh đạo tỉnh Sêkong đánh giá cao và được nhân dân địa phương đồng tình ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giao đất để khai hoang trồng cao su.

Theo ông Nguyễn Tấn Binh, Chủ tịch HĐQT BIDINA: Sau khi giải tỏa những vướng mắc ban đầu, hiểu được mục đích tốt đẹp của dự án, nhân dân các bản Lào đã đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, BIDINA luôn quan tâm thực hiện việc đền bù với mức giá phù hợp, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, kịp thời khai hoang đưa vào sản xuất. Lần đầu tiên trồng cây cao su, doanh nghiệp đã có những bước đi thận trọng, chắc chắn; luôn chọn giống tốt; áp dụng đúng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc, kết hợp với khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây cao su phát triển khá nhanh; hiện nay nhiều diện tích cao su đã khép tán. Về mức độ sinh trưởng, phát triển của cây, có 68% đạt loại tốt; 22% khá; 10% trung bình, là những thông số rất khả quan; có khả năng đến năm 2011 sẽ bắt đầu khai thác mủ, sớm hơn 1 năm so với kế hoạch.

* Gắn kết tình cảm Việt-Lào

Công ty BIDINA có vốn điều lệ 40 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty PISICO góp 50%; BISUCO 10%; Công ty CP Lâm sản PISICO Quảng Nam 15%; Công ty TNHH Nguyên liệu giấy Dung Quất 10%; ông Nguyễn Văn Ngọc 15%.

Qua 3 năm hoạt động trên đất Lào, có thể thấy rằng nhiệm vụ của BIDINA không chỉ là sản xuất, kinh doanh cây cao su mà còn là phát huy mối quan hệ gắn bó vốn có giữa 2 nước Việt-Lào. BIDINA đã tích cực hỗ trợ, giúp đỡ về giáo dục, y tế... cho toàn bộ 20 bản trong vùng dự án với kinh phí hàng năm trên 200 triệu đồng. Trong đó hỗ trợ học bổng đại học và sau đại học trên 100 triệu đồng; tổ chức đưa nhiều đoàn bác sĩ của tỉnh sang khám-chữa bệnh, cấp thuốc cho nhân dân các bản Lào. Ngoài ra, BIDINA còn đóng góp vào Quỹ khuyến học Lào 50 triệu đồng...

Không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất, BIDINA còn tạo được mối quan hệ tốt đẹp giữa CBNV công ty với bà con dân bản, 3 năm qua chưa hề xảy ra khiếu kiện. Công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 600 lao động Lào, thời gian cao điểm lên đến 1.000 người, với mức thu nhập bình quân 715 ngàn kíp/người/tháng (gần 1,5 triệu VND). Lãnh đạo tỉnh Sekong đánh giá cao uy tín của BIDINA và tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện tốt dự án đầu tư. Chính quyền và nhân dân các bản Lào trong vùng dự án đồng tình ủng hộ bởi họ hiểu rằng hai bên sẽ cùng có lợi qua hoạt động đầu tư của BIDINA: Công ty sẽ phát huy hiệu quả sản xuất kinh doanh, đồng thời giúp tỉnh bạn khai thác tiềm năng đất đai, cải thiện và nâng cao cuộc sống của người dân, thắt chặt tình đoàn kết hữu nghị giữa Bình Định-Sêkong, giữa 2 nước Việt-Lào.

* Nỗ lực vượt khó

Ông Nguyễn Tấn Binh cho biết: Tuy BIDINA đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, việc thực hiện dự án tiến triển theo chiều hướng thuận lợi, song vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước. Hiện nay, Công ty đang gặp một số khó khăn về quỹ đất sản xuất; tiến độ giao đất còn chậm; lực lượng nhân công thiếu ổn định; trình độ quản lý của đội ngũ cán bộ tại các đội sản xuất còn yếu; điều kiện sinh hoạt, đời sống của CBNV còn hạn chế... Trong thời gian đến, Công ty sẽ nỗ lực tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho CBNV; củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự tại các phòng và các đội sản xuất; tăng cường đào tạo nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ... nhằm có thể đẩy mạnh thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Công ty sẽ tập trung và tăng cường chỉ đạo công tác khai thác quỹ đất với phương châm có đất đến đâu tổ chức khai hoang đến đó để đảm bảo kế hoạch trồng 1.200 ha cao su trong năm 2009. Thường xuyên bám bản, bám dân, chính quyền tỉnh, huyện để đảm bảo diện tích đất trồng cao su theo kế hoạch. Tăng cường thực hiện công tác phòng chống cháy rừng; tiếp tục vận động nhân dân các bản phòng chống cháy rừng và bảo vệ cây trồng... Dự kiến đến hết tháng 8.2010, Công ty sẽ trồng đủ 4.000 ha cao su tại huyện Thateng, sau đó tiến hành xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su...

Theo Bùi Lợi (Báo Bình Định)