Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2023
15/03/2023

 

Nhằm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trong lĩnh vực du lịch, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2023, ước đạt 5.000.000 lượt khách với doanh thu đạt 16.400 tỷ đồng.

 

Chương trình kích cầu Du lịch Bình Định năm 2023

(Ảnh: Trang TTĐT tỉnh Bình Định)

 

Theo kế hoạch, các chỉ tiêu được đặt ra cho từng quý trong năm như sau:

Quý 1, số lượt khách du lịch đạt 1.343.000 lượt (trong đó có 3.590 lượt khách quốc tế); tổng thu từ khách du lịch đạt 2.720 tỷ đồng.

Quý 2, số lượt khách du lịch đạt 1.554.000 lượt (trong đó có 21.700 lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 5.190 tỷ đồng.

Quý 3, số lượt khách du lịch đạt 1.510.000 lượt (trong đó có 34.470 lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 6.820 tỷ đồng.

Quý 4, số lượt khách du lịch đạt 593.000 lượt (trong đó có 21.050 lượt khách quốc tế), tổng thu từ khách du lịch đạt 1.670 tỷ đồng.

Để đạt được những chỉ tiêu đã đề ra, Kế hoạch cũng đưa những giải pháp sau:

Thứ nhất, về phát triển thị trường khách du lịch:

Cần đa dạng hóa thị trường khách du lịch, chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Tập trung thu hút khách du lịch thị trường Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh có đường bay trực tiếp đến Bình Định; thị trường các tỉnh Tây Nguyên có khoảng cách địa lý gần và khác biệt về điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch và một số tỉnh lân cận có khả năng kết nối tour, tuyến: Phú Yên, Khánh Hòa; từng bước mở rộng thị trường các tỉnh Đông Bắc, Tây Bắc: Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hòa Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai; đồng bằng sông Cửu Long như: Cần Thơ, Kiên Giang, Tiền Giang.

Đẩy mạnh thu hút khách quốc tế ở các thị trường gần tăng trưởng nhanh, nhất là thị trường Đông Bắc Á (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) và Đông Nam Á. Tiếp tục thu hút khách du lịch từ một số thị trường xa, có khả năng chi tiêu cao và lưu trú dài ngày như: Tây Âu (Anh, Pháp, Đức...), Bắc Mỹ (Mỹ, Canada...) và Châu Đại Dương (Úc, New Zealand), trong đó chú trọng các nước đã được miễn thị thực (visa).

Thứ hai, về phát triển sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch

Đối với việc phát triển sản phẩm du lịch:

Xây dựng các chương trình, nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh trên cơ sở khai thác các tài nguyên du lịch hiện có và phát triển các sản phẩm du lịch mới.

Tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút khách du lịch theo quý và mùa vụ du lịch; các hoạt động kích cầu, thu hút khách du lịch mùa thấp điểm; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển các dịch vụ tại các di tích văn hóa - lịch sử.

Triển khai quy hoạch bãi biển Quy Nhơn và kêu gọi đầu tư phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ khách du lịch; tổ chức xây dựng và triển khai các mô hình phát triển du lịch ban đêm.

Hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các dự án du lịch đã có chủ trương đầu tư; thu hút đầu tư phát triển các dự án du lịch theo quy hoạch và danh mục đã được phê duyệt.

Xây dựng và triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh; phát triển một số điểm du lịch trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh.

Phát triển các sản phẩm OCOP phục vụ du lịch; khai thác giá trị đặc trưng về ẩm thực Bình Định phục vụ du khách.

Nghiên cứu sản phẩm quà tặng lưu niệm cho khách du lịch; hỗ trợ phát triển du lịch MICE gắn với triển khai chương trình hợp tác với các hãng hàng không.

Đối với việc phát triển cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch:

Đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư phát triển du lịch, hoàn thành đưa vào hoạt động 6 khách sạn tiêu chuẩn đạt từ 3 - 4 sao với tổng số hơn 1.400 phòng, đưa tổng số phòng năm 2023 đạt khoảng 14.120 phòng (trong đó có 4.829 phòng tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, 9.291 phòng từ đạt chuẩn đến 2 sao).

Tăng cường công tác hướng dẫn và quản lý chất lượng phương tiện vận tải hành khách liên quan đến du lịch: xe taxi; xe vận tải hành khách theo hợp đồng và xe cấp biển hiệu du lịch; xe điện; xe buýt; ca nô, phương tiện vận chuyển khách trên biển.

Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở kinh doanh ăn uống, mua sắm đăng ký thủ tục công nhận cơ sở đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.

Đôn đốc các khu, điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục đầu tư, nâng cấp chất lượng dịch vụ, bảo đảm các điều kiện để được công nhận các khu, điểm du lịch theo quy định.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng dịch vụ cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, hoạt động du lịch theo từng nhóm lĩnh vực, nhóm dịch vụ: (1) Cơ sở lưu trú du lịch; (2) Cơ sở ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; (3) Phương tiện vận tải khách du lịch; (4) Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành; (5) Các điểm đến du lịch có hoạt động kinh doanh.

Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra về việc chấp hành các quy định về kinh doanh dịch vụ du lịch, bảo đảm và duy trì chất lượng dịch vụ đã đăng ký, xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).

Nâng cao hiệu quả hoạt động bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; tiếp nhận và kịp thời xử lý phản ánh, kiến nghị của du khách.

Thứ tư, truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch

Nhận diện thương hiệu du lịch Bình Định và triển khai chiến lược truyền thông thương hiệu du lịch theo tiêu chí ”An toàn, văn minh, thân thiện và hấp dẫn” trong các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; đa dạng hóa các phương tiện, công cụ quảng bá du lịch.

Truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch

Triển khai các đợt truyền thông quảng bá du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng; các kênh truyền thông của doanh nghiệp, các kênh truyền thông của các tỉnh, thành phố trong các cụm liên kết phát triển du lịch với tỉnh Bình Định; Zalo OA Chính quyền điện tử tỉnh Bình Định; Fanpage Tin tức Bình Định và một số Fanpage về Bình Định, trang mạng xã hội liên quan đến du lịch có nhiều người theo dõi.

Tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch, chương trình famtrip, presstrip, giới thiệu điểm đến du lịch Bình Định tại các thị trường tiềm năng.

Tham gia một số hội chợ, hội thảo về du lịch trong và ngoài nước, xây dựng clip quảng bá du lịch Bình Định.

Tăng cường ứng dụng chuyển đổi số trong du lịch

Đẩy mạnh việc thông tin tại các điểm đến du lịch bằng quét mã QR-Code nghe thuyết minh ảo các tháp Chăm, các điểm di tích. Tích hợp chức năng bản đồ số, quét mã QR-Code trên Cổng thông tin du lịch và nâng cấp cơ sở dữ liệu trên App ”Du lịch Bình Định”.

Tăng cường liên kết phát triển du lịch vùng để kết nối các chương trình, sản phẩm du lịch, khách du lịch giữa các tỉnh: Bình Định – Phú Yên – Khánh Hòa; Bình Định – các tỉnh Tây Nguyên. Liên kết với các công ty lữ hành lớn để đưa khách về Bình Định. Xây dựng kế hoạch kích cầu du lịch mùa thấp điểm để thu hút khách du lịch đến tỉnh.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Bình Định đến năm 2025 và các chương trình, chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động và cho doanh nghiệp. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng lao động nghề du lịch và cán bộ quản lý nhà nước về du lịch.

Xây dựng các chương trình tổ chức bồi dưỡng kỹ năng và nghiệp vụ du lịch cho người lao động trực tiếp phục vụ du lịch: Tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch: lớp lễ tân, lớp buồng, lớp bàn, lớp kỹ thuật chế biến món ăn cho người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch.

Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng cho hướng dẫn viên và người lao động tại các cơ sở kinh doanh du lịch.

Tổ chức định hướng nghề nghiệp về nghiệp vụ du lịch cho sinh viên trường Đại học Quy Nhơn, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bình Định và một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Thứ sáu, công tác quản lý nhà nước về du lịch, môi trường du lịch

Thường xuyên nắm bắt tình hình các doanh nghiệp du lịch triển khai các hoạt động phục vụ khách du lịch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội kiểm tra liên ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và địa phương, cộng đồng dân cư về xây dựng nếp sống văn minh, bảo đảm vệ sinh, môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh; an ninh, an toàn cho du khách, tạo dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.

Hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, các dự án ven biển, ven đầm về giữ gìn môi trường du lịch lành mạnh, giữ gìn môi trường sinh thái biển, hồ, đầm; chú trọng tôn tạo, bảo vệ, sử dụng hợp lý và hiệu quả các nguồn tài nguyên, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.

 

T.Hậu