Bình Định tổng kết năm 2022 với 81 dự án, vượt xa so với kế hoạch đề ra
01/01/2023

 

Với lợi thế và sự chuẩn bị "đi trước đón đầu" về hạ tầng khu công nghiệp, giao thông, nguồn nhân lực phục vụ sản xuất, sau dịch Covid-19 tỉnh Bình Định là sự chọn lựa hàng đầu cho các nguồn vốn đầu tư.

 

Phối cảnh dự án Liên hợp gang thép Long Sơn Hoài Nhơn

Tính đến 31/12/2022, tỉnh Bình Định thu hút mới 81 dự án (80 dự án trong nước, 01 dự án nước ngoài) với tổng vốn đầu tư 19.644,61 tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 17 dự án với tổng vốn tăng thêm 19.475,50 tỷ đồng. Đạt 135% so với kế hoạch đề ra đầu năm là thu hút 60 dự án. Cụ thể:

Đối với thu hút đầu tư trong nước: Có 33 dự án được đầu tư trong các Cụm Công nghiệp (CCN) với tổng vốn đầu tư 2.110,61 tỷ đồng; 21 dự án trong Khu Kinh tế, Khu Công nghiệp (KKT, KCN) với tổng vốn đầu tư 3.310,46 tỷ đồng. 26 dự án ngoài KKT, KCN, CCN với tổng vốn đầu tư 14.123,53 tỷ đồng.

- Phân theo lĩnh vực: 56 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp; 11 dự án thuộc lĩnh vực Thương mại, dịch vụ, du lịch; 09 dự án thuộc lĩnh vực Bất động sản, xây dựng, hạ tầng; 02 dự án thuộc lĩnh vực Nông nghiệp; 01 dự án lĩnh vực Công nghệ thông tin và 01 dự án thuộc lĩnh vực Giáo dục.

- Phân theo địa bàn: Huyện Tây Sơn có 15 dự án (14 dự án trong CCN); thành phố Quy Nhơn có 14 dự án (01 dự án trong CCN); thị xã An Nhơn có 09 dự án (06 dự án trong CCN); thị xã Hoài Nhơn có 06 dự án (03 dự án trong CCN); huyện An Lão có 04 dự án (04 dự án trong CCN); huyện Tuy Phước 03 dự án (01 dự án trong CCN); huyện Phù Cát có 03 dự án; huyện Vĩnh Thạnh có 02 dự án (02 dự án trong CCN); huyện Hoài Ân và huyện Vân Canh mỗi địa bàn có 01 dự án (các dự án đều trong CCN); huyện Phù Mỹ 01 có dự án. Trong KKT, KCN có 21 dự án.

Đối với thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tỉnh đã thu hút được 01 dự án đầu tư mới với vốn đầu tư 4 triệu USD; 01 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 05 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 16,04 triệu USD. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 87 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 1,11 tỷ USD.

Ký kết biên bản hợp tác giữa tỉnh với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK)

Mặc dù số lượng dự án FDI cấp mới ít nhưng trong năm tỉnh đã đón và làm việc với rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong số đó nhiều nhà đầu tư đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có nền kinh tế hàng đầu như: Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Israel, Australia, Newzeland, Thái Lan,…kì vọng trong các năm tiếp theo sẽ đón được dòng vốn ngoại từ các nhà đầu tư này.

Tổng kết trong năm 2022, các dự án đầu tư đã thực hiện giải ngân 53.522,11 tỷ đồng (đạt 89,20% so với kế hoạch đề ra là 60.000 tỷ đồng).

Có 1.203 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 10.118,99 tỷ đồng, So với cùng kỳ năm trước, tăng 28,39% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 20,4% về vốn đăng ký.

Kim ngạch xuất khẩu (KNXK) năm 2022 ước đạt 1.550 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ, đạt 114,8% kế hoạch năm. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Sắn và các sản phẩm từ sắn 64,8 triệu USD, tăng 66,4%; Hàng thủy sản 169,3 triệu USD, tăng 61,7%; Hàng dệt, may 284,6 triệu USD, tăng 47,2%; Gỗ các loại 310,3 triệu USD, tăng 36,6%...

Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Gạo 43,2 triệu USD, giảm 36,6%; Sản phẩm từ chất dẻo 152,3 triệu USD, giảm 29,3%; Sản phẩm gỗ 465,8 triệu USD, giảm 6,9%...

Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) năm 2022 ước đạt 469,6 triệu USD, giảm 1% so với cùng kỳ, đạt 102,2% kế hoạch năm. Một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ như: Hàng thủy sản 110,1 triệu USD, tăng 71,8%; thức ăn gia súc và nguyên liệu 73,3 triệu USD, tăng 22,9%; vải các loại 51,5 triệu USD, tăng 18,7%...

Một số mặt hàng giảm so với cùng kỳ như: Phân bón các loại 11,8 triệu USD, giảm 54,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ 56,5 triệu USD, giảm 2,5%; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày 84,9 triệu USD, giảm 0,2%;…

Để tăng cường thu hút đầu tư, trong năm 2022, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả một số chương trình trọng tâm như:

(1) Tổ chức đấu giá, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án lớn, trọng điểm (2) Xúc tiến, hỗ trợ đầu tư vào Khu đô thị Khoa học Quy Hòa; (3) Ký kết hợp tác truyền thông, xúc tiến đầu tư giữa tỉnh Bình Định với các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air; (4) Tổ chức chuyến xúc tiến đầu tư và Hội nghị xúc tiến đầu tư vào Bình Định tại Hàn Quốc; (5) Tổ chức các Hội nghị xúc tiến đầu tư Đức, Thái Lan, Hàn Quốc (6) Thực hiện hỗ trợ vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư thông qua Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh; (7) Cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Danh mục ưu tiên mời gọi đầu tư tỉnh Bình Định giai đoạn 2021 - 2025; (8) Xây dựng bộ chỉ số Năng lực Cạnh tranh cấp Huyện, thị và Sở, ngành (DDCI).

Đoàn xúc tiến đầu tư của tỉnh tại Hàn Quốc

Mặc dù năm qua, công tác xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định của tỉnh đạt được nhiều thành công khi đã đa dạng được các phương thức xúc tiến đầu tư, thực hiện chuyển đổi số trong giám sát đầu tư; nhiều nhà đầu tư có tiềm lực tiếp tục đầu tư các dự án mới, một số dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Song vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế như: hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của một bộ phận doanh nghiệp trong tỉnh chưa cao. Một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh có chỉ số sản xuất giảm hoặc tăng trưởng thấp so cùng kỳ; một số ngành sản xuất thiếu hụt nguồn nguyên liệu đầu vào; một số sản phẩm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế, nhất là từ các thị trường lớn (như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU); chưa phát huy hết dư địa sẵn có nên sự phát triển đa dạng tỷ trọng các lĩnh vực đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Xác định nguồn vốn ngoài ngân sách (vốn đầu tư tư nhân) là rất quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội  của tỉnh. Là một trong những nhiệm vụ góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Năm 2023, tỉnh tiếp tục tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến xúc tiến đầu tư với các nước; tích cực mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc tế và thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với các tỉnh, thành phố nước ngoài. Tỉnh cũng đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm cụ thể sau:

Thứ nhất, tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng khu công nghiệp; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, tập trung mời gọi các dự án đầu tư công nghiệp, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tập trung công tác chuyển đổi số, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh nhằm tạo thuận lợi nhất giúp doanh nghiệp đầu tư.

Thứ ba, thu hút đầu tư tập trung các lĩnh vực theo 05 trụ cột chính, gồm: Công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Thu hút có chọn lọc các dự án sử dụng tiết kiệm đất, tiết kiệm năng lượng, sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, nộp ngân sách lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội nhanh, bền vững.

Trong đó chú trọng phát triển: công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, thân thiện với môi trường các ngành dịch vụ mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, sử dụng tiết kiệm quỹ đất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư FDI chất lượng cao. Chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, nguồn nhân lực và các hạ tầng kỹ thuật cần thiết để đón nhận dòng vốn FDI đang chuyển dịch, tái đầu tư phục hồi nền kinh tế mạnh mẽ sau đại dịch.

Thứ tư, đẩy mạnh tổ chức các hoạt động xúc tiến và quản lý đầu tư; tăng cường các hoạt động hỗ trợ đầu tư; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn nhà đầu tư.

Thứ năm, xây dựng Danh mục thu hút đầu tư giai đoạn 2023 - 2025, trong đó xác định rõ các dự án trọng điểm tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương; đẩy nhanh tiến độ hoàn thành thủ tục đầu tư các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp có lợi thế trên địa bàn tỉnh, ngoài các khu, cụm đã quy hoạch.

Thứ sáu, phấn đầu thu hút trên 60 dự án đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số dự án. Phấn đấu thu hút trên 20.000 tỷ đồng vốn đăng ký đầu tư mỗi năm (kể cả vốn đầu tư nước ngoài) và năm sau tăng hơn năm trước khoảng 10% về số vốn đăng ký. Phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân trên 20.000 tỷ đồng mỗi năm, kể cả vốn nước ngoài.

Thứ bảy, tiếp tục thực hiện chương trình hợp tác với các tỉnh trong nước: Bình Dương, Hà Tĩnh, Gia Lai, Hà Nội, Hồ Chí Minh và các thành phố nước ngoài: Izumisano (Nhật Bản), Yongsan, Incheon (Hàn Quốc); các trường Đại học FPT, Bách khoa Hà Nội, Tôn Đức Thắng,… theo chương trình hợp tác chung giữa các tổ chức và các địa phương với UBND tỉnh Bình Định. Triển khai các nội dung hợp tác với 04 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines như nội dung đã ký kết.

Thứ tám, tổ chức các buổi đối thoại với doanh nghiệp. Bình Định rất coi trọng cộng đồng các doanh nghiệp, tỉnh luôn ghi nhận những đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thương mại cho đến đến hoạt động xã hội. Năm 2023, tỉnh tích cực tổ chức gặp gỡ thường xuyên với doanh nghiệp để lắng ý kiến doanh nghiệp. Qua đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để doanh nghiệp phát triển kinh doanh và phát triển hơn.

Năm 2023, nhiều dự báo cho thấy dòng mạch sản xuất kinh doanh toàn cầu phải đối mặt với nhiều thách thức hơn và điều này sẽ tác động tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nói chung và Bình Định nói riêng. Song với quan điểm nhất quán luôn trân trọng vị thế, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và với phương châm “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, tỉnh Bình Định cam kết hỗ trợ tối đa để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm kiếm được cơ hội đầu tư khác biệt, thành công, bền vững lâu dài tại tỉnh.

 

Nguyễn Bay