Bình Định thu hút gần 16.000 tỷ đồng trong 7 tháng 2022
30/07/2022

 

Sau 7 tháng năm 2022, toàn tỉnh thu hút 44 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 10.768,42 tỷ đồng tỷ đồng và thực hiện tăng vốn đầu tư 09 dự án, với tổng vốn tăng thêm 5.196,44 tỷ đồng.

 

Lễ khởi công Nhà máy sản xuất viên nén xuất khẩu An Việt Phát Tây Sơn

Theo đó, có 19 dự án được đầu tư trong các Cụm Công nghiệp với tổng vốn đầu tư 366,52 tỷ đồng; 12 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 8.105,52 tỷ đồng và 13 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 2.296,38 tỷ đồng.

Đối với đầu tư nước ngoài, có hai trường hợp điều chỉnh tăng vốn, 01 trong KCN và 01 ngoài KCN và KKT; tổng vốn điều chỉnh tăng 2,03 triệu USD. Cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1.093,68 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 848,06 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,62 triệu USD.

Phân theo lĩnh vực: 31 dự án thuộc lĩnh vực Công nghiệp; 09 dự án thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch; 03 dự án thuộc lĩnh vực bất động sản và 01 dự án lĩnh vực công nghệ thông tin.

Một số dự án lớn đáng chú ý như: Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software của Công ty TNHH Phần mềm FPT với vốn đăng ký đầu tư 2000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy sản xuất đồ gỗ cao cấp Thiện Tâm của Công ty CP Đồ gỗ cao cấp Thiện Tâm với vốn đăng ký đầu tư 250 tỷ đồng; dự án Nhà máy cưa xẻ, sấy gỗ thành phẩm của Công ty TNHH AVP Quang Trung với vốn đăng ký đầu tư 165,56 tỷ đồng; dự án Nhà máy sản xuất viên nén gỗ (Wood Pellet) Nguyệt Anh của Công ty CP Nguyệt Anh với vốn đăng ký đầu tư 115 tỷ đồng.

Để tăng cường thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút đầu tư FDI, vừa qua Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất UBND tỉnh các giải pháp thực hiện công tác xúc tiến đầu tư trọng tâm các tháng cuối năm 2022, cụ thể:

Thứ nhất, tập trung rà soát tình hình triển khai các dự án đã được Chấp thuận đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, kể cả các dự án đấu thầu, đấu giá. Qua đó sẽ kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ đầu tư cho những dự án có vướng mắc, khó khăn hoặc thu hồi, chấm dứt các dự án không còn khả năng triển khai.

Thứ hai, tăng cường tổ chức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đã đủ điều kiện tổ chức. Đồng thời tăng cường giao cho các địa phương tổ chức lựa chọn, nhất là các dự án đấu giá.

Thứ ba, đề xuất phương án lựa chọn chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp, trong đó tính chất, mục tiêu cụm công nghiệp được đánh giá dựa trên mức độ phù hợp của ngành nghề dự kiến thu hút đầu tư với định hướng phát triển ngành, lĩnh vực công nghiệp ưu tiên trên địa bàn tỉnh; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, các quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư các thị trường quan trọng, trước mắt là Tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Hàn Quốc (9/2022) và Nhật Bản (11/2022); tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư với các nhà đầu tư Đài Loan và Hội nghị xúc tiến đầu tư Thái Lan được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh (10/2022), Tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư với các doanh nghiệp Đức tại Bình Định vào tháng 11/2022; tham dự Diễn đàn Kinh tế Xanh và Triển lãm Quốc tế (GEFE) 2022 do Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) tổ chức nhằm tiếp cận một số doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam.

 

NB