Mới đây, đoàn cán bộ, doanh nhân của tỉnh ta vừa thực hiện chuyến xúc tiến thương mại (XTTM) tại các tỉnh Nam Lào nhằm phát triển quan hệ với các DN Lào, mở rộng thị trường tại đất nước “Hoa Chămpa”. Ông Văn Hữu Định - Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh, Phó trưởng đoàn công tác, cho biết:
Mới đây, đoàn cán bộ, doanh nhân của tỉnh ta vừa thực hiện chuyến xúc tiến thương mại (XTTM) tại các tỉnh Nam Lào nhằm phát triển quan hệ với các DN Lào, mở rộng thị trường tại đất nước “Hoa Chămpa”. Ông Văn Hữu Định - Giám đốc Trung tâm XTTM tỉnh, Phó trưởng đoàn công tác, cho biết:
Mục đích của chuyến công tác là nhằm tiếp tục triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển mà lãnh đạo tỉnh ta đã ký kết với các tỉnh Nam Lào; cũng như thỏa thuận giữa Sở Công Thương tỉnh với Sở Công Thương các tỉnh Nam Lào; tạo điều kiện để các DN ở tỉnh ta tìm kiếm thị trường mới... Thành phần của đoàn có 16 người, gồm lãnh đạo Sở Công Thương, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm XTTM tỉnh và các DN của tỉnh.
- Đoàn đã có những hoạt động gì tại Lào, thưa ông?
+ Nhiệm vụ chính của Đoàn công tác là làm việc với Sở Công Thương của một số tỉnh thuộc khu vực Nam Lào, như Attapư, Sekong, Chămpasak; đồng thời khảo sát thị trường, hệ thống một số chợ, trung tâm thương mại một số tỉnh Nam Lào. Tại tỉnh Attapư, đoàn tiến hành khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, khai thác và chế biến đá granite, mua gỗ đóng tàu thuyền, chế biến xuất khẩu; mua lồ ô, nứa để chẻ tăm nhang tại chỗ; sản xuất công nghiệp các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khoáng sản, cơ khí, chế biến cao su… để phân phối hàng hóa của DN Bình Định tại Attapư; làm việc với Sở Công Thương Attapư về thủ tục xuất nhập khẩu (XNK) qua cửa khẩu Attapư; về đầu tư và thương mại ở Attapư….
Tại tỉnh Sekong, đoàn tiến hành các hoạt động tìm cơ hội đầu tư sản xuất công nghiệp các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khoáng sản, cơ khí, chế biến cao su; đồng thời tìm kiếm đối tác cung cấp hàng hóa, làm đại lý phân phối hàng hóa của DN Bình Định tại Sekong. Ngoài ra, đoàn còn khảo sát, tìm hiểu hoạt động khai thác và chế biến lồ ô, nứa làm tăm nhang tại chỗ; khảo sát chợ Taphèn về đầu tư xây dựng chợ theo yêu cầu của bạn…
Riêng tại Chămpasak, đoàn thực hiện khá nhiều chương trình tại tỉnh này. Chúng tôi đã có những cuộc tiếp xúc, làm việc xung quanh việc Chămpasak cấp đất cho tỉnh ta để xây dựng Trung tâm Thương mại Bình Định tại Chămpasak theo thỏa thuận trước đây, nhằm giới thiệu sản phẩm của tỉnh đến với người tiêu dùng Lào, đồng thời làm điểm tựa để đưa hàng hóa của tỉnh ta sang Lào và Thái Lan… Một số DN đã khảo sát địa điểm đầu tư chiết nạp, phân phối gas; tìm kiếm đối tác làm đại lý phân phối sản phẩm điện tử (như đầu đĩa, loa…); làm xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, đoàn còn thực hiện việc khảo sát, tìm kiếm đối tác để phân phối hàng hóa của DN Bình Định tại các chợ và các cửa khẩu Hữu Nghị 2 và Văng Tàu; tìm kiếm cơ hội đầu tư sản xuất công nghiệp các lĩnh vực chế biến nông lâm sản, khoáng sản, cơ khí, chế biến cao su…
- Ông có thể cho biết một số kết quả của đoàn qua chuyến đi?
+ Chuyến công tác của đoàn diễn ra từ ngày 1 đến 7.3.2009. Mặc dù thời gian của chuyến công tác chỉ khoảng 1 tuần lễ, với địa bàn 4 tỉnh Nam Lào rộng lớn, song đã gặt hái được những kết quả khả quan. Có thể nói, Lào là thị trường đầy tiềm năng đối với các DN Bình Định. Chẳng hạn như tại Attapư, đoàn đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở Thương mại, Sở Điện lực và Khoáng sản Attapư. Phía bạn đã cung cấp cho đoàn một số thông tin và giải đáp những vấn đề mà các DN Bình Định quan tâm, như nguyên liệu lồ ô, nứa, nông sản thực phẩm, chính sách thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh Attapư; thủ tục XNK hàng hóa, vật tư, nguyên liệu qua cửa khẩu Phucưa.
Sở Điện lực - Khoáng sản Attapư đã giới thiệu với đoàn về tình hình quy hoạch địa điểm xây dựng công trình thủy điện nhỏ, trữ lượng các loại khoáng sản (đá, caolanh..)…. Đoàn công tác và lãnh đạo Sở Thương mại, Sở Điện lực - Khoáng sản Attapư đã thống nhất một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực hợp tác đầu tư sản xuất, phát triển thương mại mà hai tỉnh đã thực hiện trong năm 2008; chương trình hoạt động năm 2009.
Đáng lưu ý, hai bên thống nhất báo cáo trình lãnh đạo tỉnh cho chủ trương tổ chức thực hiện hợp tác đầu tư, XTTM, giao thương hàng hóa trên tinh thần bình đẳng, cùng phát triển và cùng có lợi; nhất là việc tập trung nghiên cứu khả năng khai thác chế biến đá, tre nứa, song mây; nghiên cứu địa điểm và khảo sát nhu cầu tiêu thụ hàng hóa để có quyết định đầu tư xây dựng cơ sở phục vụ tiêu thụ hàng thủy hải sản và giết mổ gia súc, gia cầm. Hai bên cũng nhất trí sẽ phối hợp, hỗ trợ cho DN có điều kiện thuận lợi trong thủ tục XNK hàng hóa tại cửa khẩu, trong đó ưu tiên hàng nông sản thực phẩm tươi sống.
Hoặc như ở tỉnh Sekong, đoàn còn có buổi làm việc với đại diện Phòng Ngoại vụ Ủy ban Hành chính tỉnh này. Tại đây, chúng tôi đã được giới thiệu về kết quả trồng cây cao su của các DN Bình Định ở Sekong; khả năng phát triển ngành công nghiệp cơ khí gia công sửa chữa, sản xuất máy nông nghiệp, nông cụ phục vụ nông nghiệp. Đồng thời, bạn còn giới thiệu tiềm năng về nguồn tài nguyên khoáng sản (mỏ sắt, vàng, bôxit, than đá) và 12 dự án khai thác, chế biến khoáng sản đang kêu gọi đầu tư; giới thiệu khả năng phát triển thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh Sekong. Đặc biệt, phía bạn đã giới thiệu địa điểm và kêu gọi các DN Bình Định tham gia đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại tại tỉnh lỵ Sekong, chợ đầu mối tại huyện lỵ Thateng; cùng nhiều chính sách ưu đãi của Sekong cũng như của Chính phủ Lào…
Hy vọng rằng, từ kết quả của chuyến công tác, các DN tỉnh ta sẽ có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu tại thị trường Lào.
Nguồn: Báo Bình Định