Sở Kế hoạch và Đầu tư nỗ lực cải cách hành chính để thu hút đầu tư
01/01/2022

 

Trong nhiều năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư luôn nỗ lực không ngừng trong công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, từ đó đã đạt được những kết quả tích cực và từng bước đưa Bình Định trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư ở khu vực Miền Trung – Tây nguyên.

 

Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, tiềm năng phát triển đa dạng, kết hợp chiến lược thu hút đầu tư phù hợp, Bình Định đang dần khẳng định là một trong những địa phương năng động trong phát triển kinh tế. Trong đó kinh tế biển là thế mạnh đáng kể của tỉnh.

Để phù hợp với xu thế hợp tác phát triển mạnh mẽ hiện nay, lãnh đạo các cấp chính quyền của tỉnh nói chung và Sở Kế hoạch và Đầu tư nói riêng đã và đang ra sức đổi mới phương thức và cơ cấu vận hành của bộ máy hành chính nhà nước, qua đó lấy nhiệm vụ đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm trong công tác.

Nhờ đó trong năm qua, kết quả thu hút đầu tư của tỉnh gặt hái được một số kết quả khả quan:

- Đối với thu hút đầu tư trong nước: toàn tỉnh thu hút được 93 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút trên 104.340,19 tỷ đồng (giảm 40% về số dự án, tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020). Trong đó: 66 dự án ngoài KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 95.461,22 tỷ đồng (22 dự án trong Cụm Công nghiệp, tổng vốn đầu tư 266,74 tỷ đồng); có 27 dự án trong KKT, KCN với tổng vốn đầu tư 8.878,97 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121,9 tỷ đồng.

Phân theo lĩnh vực: Bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 41.252,71 tỷ đồng; Công nghiệp: 52 dự án, 60.032,26 tỷ đồng; Thương mại, dịch vụ, du lịch: 10 dự án, 2.902,62 tỷ đồng; Nông nghiệp: 01 dự án, 152,6 tỷ đồng.

Phân theo địa bàn: Quy Nhơn dẫn đầu cả tỉnh với 22 dự án thu hút mới; huyện Tây Sơn thu hút 13 dự án; thị xã Hoài Nhơn thu hút 10 dự án, thị xã An Nhơn có 07 dự án; huyện Tuy Phước có 06 dự án; Phù Mỹ có 03 dự án; Vĩnh Thạnh có 02 dự án; Hoài Ân, An Lão và Phù Cát thu hút được 01 dự án; trong KKT, Khu Công nghiệp có 27 dự án.

- Đối với thu hút đầu tư nước ngoài: Trong năm 2021, toàn tỉnh thu hút 04 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD (bằng số dự án và tăng 521,83% về vốn so với năm 2020).

Thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Thông báo chấm dứt 01 dự án là dự án Nhà máy may mặc Gold của Công ty CP Longmate Holdings.

Lũy kế cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.

Cũng trong năm 2021, có khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 12.500 tỷ đồng. Đến nay cả tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.

Để đạt được kết quả tốt như vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan của tỉnh đã nỗ lực rất nhiều trong đại dịch Covid 19 với phương châm va chống dịch vừa phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, đầu tư – kinh doanh, trong đó công tác cải cách hành chính, nhất là hành chính trong đầu tư.

Trong thời gian qua, công tác cải cách hành chính luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm và đã có chỉ đạo xuyên suốt, linh hoạt, toàn diện nhằm đẩy nhanh tiến trình cải cách, hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, đồng thời từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Điểm nổi bật phải kể đến là, được sự đồng thuận cao của các sở ngành và các địa phương, tỉnh đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày và xem đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định. Việc cắt giảm này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản ủng hộ và đánh giá rất cao.

Cùng với đó, Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP; hạ tầng giao thông, hạ tng du lịch …

Đây cũng là động thái cụ thể, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong công tác hỗ trợ đầu tư; từng bước khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư từ các nguồn vốn. Qua đó, sau vài tháng nỗ lực có sự “góp sức” của Tổ công tác, tỉnh đã thu hút được 2 dự án rất lớn với quy mô lên trên 62 ngàn tỷ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Cũng trong công tác cải cách hành chính, đến nay cơ bản hoàn thành xong Bộ chỉ số DDCI (Department and District Competitiveness Index), đây là bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương ở các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Đây được xem là bộ chỉ số kép đánh giá hai khối cơ quan trong tỉnh và là một trong các hướng đi mới để cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) hiện nay.

Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư cam kết sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan đề ra các giải pháp nhằm triển khai, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh như: Tiếp tục kiểm soát, cập nhật, bổ sung kịp thời Danh mục dự án mời gọi đầu tư; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa các tục hành chính, trên cơ sở đó kiến nghị sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật. Thực hiện tốt việc công bố, công khai các quy trình, thủ tục hành chính, ưu tiên tập trung ở các khâu như: đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, giải quyết thủ tục giao đất… Đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của từng cán bộ, từng cơ quan, cải tiến cung cách làm việc nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Nâng cao tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các tổ chức khi thực hiện thủ tục hành chính.

Bên cạnh công tác cải cách hành chính mang tính giấy tờ - thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ quyết tâm hỗ trợ cụ thể cho từng chủ đầu tư có các dự án lớn. Trước mắt tập trung vào hỗ trợ một dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như: Dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức); dự án Nhà máy nhũ mỏng ép nhiệt công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Đức), dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Becamex IDC, dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Trường Hải, Khu du lịch Hải Giang, Khu du lịch Vĩnh Hội… đồng thời đẩy nhanh tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án đã đủ điều kiện để sớm tạo nguồn thu.

Để chuẩn bị đón đầu dòng vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ chủ động đổi mới cách thức thu hút đầu tư nhằm thích ứng công tác xúc tiến đầu tư trong tình hình mới. Trong đó tập trung mục tiêu thu hút các dự án thuộc bốn trụ cột kinh tế bao gồm: công nghiệp - công nghệ thông tin - nông nghiệp công nghệ cao - thương mại du lịch. Trong đó chú trọng thu hút một số lĩnh vực quan trọng như: dự án sản xuất công nghiệp nặng, quy mô lớn và công nghệ cao; các dự án công nghiệp chế tạo, công nghệ thông tin; dự án nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông lâm thủy hải sản; dự án năng lượng tái tạo; dự án du lịch, nghỉ dưỡng...

Những năm trước đây, công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh được đánh giá vẫn còn bất cập, nhất là việc xây dựng các hồ sơ, thủ tục, quy trình thực hiện còn chưa kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn trùng lặp. Tính minh bạch trong tiếp cận thông tin còn khó khăn, nhất là việc tiếp cận các thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường còn hạn chế. Thu hút chưa được nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao mang tính động lực để phát triển kinh tế; công tác quy hoạch (đất đai, xây dựng...) phục vụ thu hút đầu tư còn bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế của các nhà đầu tư. Những tồn tại nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Do vậy, yêu cầu đặt ra hiện nay là cần đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành CCHC. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác CCHC gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Triển khai thực hiện có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính trên mọi lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh

Với sự thống nhất về chủ trương, các giải pháp đồng bộ và sự đồng thuận quyết tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức liên quan, tin tưởng rằng nhiệm vụ CCHC, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến và thu hút đầu tư của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, đảm nhiệm vai trò là một trong các khâu đột phá để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hiện nay, việc thụ lý hồ sơ đầu tư liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, do đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư rất mong trong thời gian tới sẽ nhận được sự quan tâm, phối hợp tích cực của các cơ quan để góp phần nâng cao vai trò của các cơ quan trong công tác cải cách thụ tục hành chính nói riêng và của cả tỉnh nói chung.


Nguyễn Bay