Phát huy thế mạnh kinh tế vùng
27/11/2008

 

Tăng cường quan hệ hợp tác sẵn có, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực Tam giác phát triển là một nội dung quan trọng của Hội nghị Ủy ban Điều phối chung ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ ba, diễn ra trong hai ngày 24 và 25/11 tại Thủ đô Vientiane (CHDCND Lào).

 

Tăng cường quan hệ hợp tác sẵn có, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư, kinh doanh tại khu vực Tam giác phát triển là một nội dung quan trọng của Hội nghị Ủy ban Điều phối chung ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) lần thứ ba, diễn ra trong hai ngày 24 và 25/11 tại Thủ đô Vientiane (CHDCND Lào).

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Chủ tịch Ủy ban Điều phối CHDCND Lào, ông Soulivong Daravong đã nhận định, kể từ cuộc họp lần thứ hai tại Campuchia đến nay, các bên đã triển khai được nhiều công việc đáng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Việt Nam, cũng nhấn mạnh rằng, Hội nghị lần này sẽ tạo ra bước phát triển mới trong xây dựng và phát triển khu vực Tam giác giữa ba nước. Ngài Cham Prasidh, Bộ trưởng cấp cao Bộ Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Vương quốc Campuchia cho rằng, Hội nghị sẽ tăng cường đoàn kết, sự hợp tác để phát huy tiềm năng và thế mạnh của 10 tỉnh trong khu vực tam giác giữa Việt Nam, Lào và Campuchia

Việc tăng cường hợp tác giữa 3 nước trong việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển (gồm các tỉnh Mondulkiri, Ratanakiri, StungTreng của Campuchia, Attapeu, Saravan, Sekong của Lào; KonTum, Gia Lai, DakLak, DakNông của Việt Nam) đã tạo ra ảnh hưởng tích cực tới việc xóa đói, giảm nghèo của người dân sống tại Khu vực Tam giác phát triển.

Chính vì vậy, Hội nghị lần này đã tập trung thảo luận cơ chế ưu đãi đặc biệt cho khu vực này, trong đó tập trung vào các vấn đề như: thủ tục qua lại biên giới của người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư; thủ tục cho phương tiện vận tải, thiết bị vật tư, máy móc, thiết bị tạm nhập, tái xuất và tạm xuất - tái nhập; về trao đổi hàng hóa qua biên giới; về quá cảnh hàng hóa; về miễn giảm thuế xuất nhập khẩu và chính sách thuế; về phí và lệ phí; về cơ chế thanh toán; về kiểm tra, kiểm soát cửa khẩu và về chính sách đầu tư.

Theo hướng này, chính sách ưu đãi có phạm vi không những tại Khu vực Tam giác phát triển, mà còn bao gồm cả các vùng có liên quan khác được mong đợi sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho việc phát triển Khu vực Tam giác. Việc áp dụng cơ chế ưu đãi đặc biệt nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội một cách năng động, tăng mức sống người dân, liên kết cơ sở hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi có thể thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Với mục tiêu như vậy, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là vấn đề được khá nhiều đại biểu quan tâm.

Liên quan tới lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, ông Sok Sopheak, Trưởng đoàn chuyên viên Campuchia cho rằng, ba nước cần đẩy nhanh việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông giữa các tỉnh trong Khu vực. Ngoài ra, cần đầu tư mở rộng mạng lưới giao thông, liên kết mạng lưới này với cảng ở Campuchia và Việt Nam.

Cũng do nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết cơ sở hạ tầng giữa ba nước, nên các bên cho rằng, cần huy động các nguồn hỗ trợ tài chính kỹ thuật từ trong và ngoài nước cho phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, cần nâng cấp các cửa khẩu thành các cửa khẩu vùng và quốc tế. Trong số này có các cặp cửa khẩu được đưa ra để thảo luận gồm cặp cửa khẩu Đăk Peur (ĐakNông) - Boursa (Modulkiri), Đăk Ruê (DakLak) - Chi Meas (Modulkiri) của Việt Nam và Campuchia; cặp cửa khẩu Nam Giang (Quảng Nam) - Dac Ta Oc (Sê Kông), La Lay (Quảng Trị) - La Lai (Salavanh) của Việt Nam và Lào.

Không chỉ quan tâm tới phát triển cơ sở hạ tầng, vấn đề trao đổi hàng hóa, quá cảnh hàng hóa cũng được Hội nghị đặc biệt quan tâm. Trong các cuộc thảo luận, Hội nghị cơ bản nhất trí rằng, việc trao đổi hàng hóa, qua biên giới, trong thương mại biên giới được sản xuất bởi người dân trong Khu vực Tam giác sẽ được miễn thuế xuất nhập khẩu và các loại thuế khác không vượt quá 400 USD/người/ngày để nhập khẩu vào Việt Nam. Cùng với đó, các bên đã đồng ý đưa ra danh mục sản phẩm không bị đánh thuế chung.

Hội nghị lần này đã một lần nữa thể hiện nỗ lực và quyết tâm của ba nước với mong muốn phát huy tối đa những tiềm năng sẵn có, bổ sung cho nhau, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển của của các tỉnh trong khu vực Tam giác.
Qua Hội nghị, đặc biệt là việc các bên ký Bản ghi nhớ về việc xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển và việc chính thức khai trương trang thông tin điện tử Tam giác phát triển (địa chỉ http://clv-triangle.vn), các doanh nghiệp sẽ có thêm thông tin để ra quyết định đầu tư.

Tam giác phát triển là sáng kiến của Thủ tướng 3 nước tại cuộc họp lần thứ nhất vào 1999 tại Vientiane. Cho đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội tại khu vực này đang từng bước được xây dựng và cải thiện.

Nguồn: Báo Đầu tư