Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050
13/09/2021

 

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là quy hoạch chuyên ngành đầu tiên được phê duyệt theo Luật Quy hoạch.

 

Quốc lộ 19 mới (ảnh sưu tầm)

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cũng là một trong 5 quy hoạch chuyên ngành GT-VT (đường bộ; đường thủy nội địa; cảng hàng không, sân bay; cảng biển; đường sắt).

Theo quy hoạch, hệ thống đường bộ phải đảm bảo kết nối giữa hệ thống đường bộ quốc gia với hệ thống đường địa phương, giữa các vùng động lực và vùng khó khăn; kết nối đến các đầu mối vận tải và quốc tế, đặc biệt là kết nối hiệu quả với các đầu mối giao thông, hạ tầng của các phương thức khác (nhà ga đường sắt, cảng biển, cảng sông, sân bay).

Quy hoạch đường bộ đã được tích hợp và đồng bộ hóa với 4 quy hoạch chuyên ngành GT-VT còn lại, từ đó xác định danh mục các dự án ưu tiên đối với hệ thống đường quốc gia, danh mục các dự án đường địa phương cần thiết phải ưu tiên đưa vào quy hoạch của tỉnh để đảm bảo tính kết nối, liên thông với mạng lưới giao thông của vùng và quốc gia, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Để đảm bảo tính linh hoạt, tính mở và sự chủ động trong đầu tư, quy hoạch lần này cho phép có thể điều chỉnh tiến độ đầu tư các tuyến đường nếu các địa phương nhận thấy nhu cầu cần thiết đầu tư sớm hơn và có thể thu xếp nguồn lực để triển khai thực hiện; hoặc khi địa phương có nhu cầu mở rộng quốc lộ đi qua địa bàn đã được quy hoạch đô thị thì sẽ phối hợp nguồn vốn theo hướng Trung ương đầu tư phần quy mô theo quy hoạch, địa phương đầu tư phần mở rộng...

Quy hoạch đã đề xuất lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên trên nguyên tắc các dự án này đều phải bảo đảm tính lan tỏa, là động lực phát triển vùng hoặc liên vùng, đầu tư phát huy ngay hiệu quả. Đáng chú ý, quy hoạch đã ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 các tuyến đường cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới đường cao tốc kết nối liên vùng và là “xương sống” của hệ thống đường bộ quốc gia.

Trong đó, tập trung hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến đường cao tốc khu vực Nam bộ, miền Trung - Tây nguyên, miền núi phía Bắc và các tuyến vành đai đô thị tại Hà Nội, TP.HCM; với mục tiêu cụ thể đến năm 2030, có thể đưa vào khai thác khoảng 5 ngàn km đường cao tốc như mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.


Lê Anh