Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định 5 năm 2021-2025
11/08/2021

 

Trên cơ sở các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ chủ yếu, tỉnh Bình Định đã đề ra kế hoạch phát triển kinh tế của tỉnh trong 5 năm tới tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và 3 khâu đột phá chiến lược. Cụ thể:

 

Một góc thành phố Quy Nhơn (ảnh:Lê Anh)

1. Mục tiêu tổng quát:

Tập trung thực hiện nhiệm vụ kép khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi kinh tế. Tiếp tục duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh và huy động tổng hợp các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tích cực thu hút đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để các dự án lớn sớm triển khai trên địa bàn tỉnh; đẩy nhanh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chú trọng đổi mới sáng tạo. Gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Chủ động đối phó với biến đổi khí hậu và phòng ngừa, giảm thiểu tác hại của thiên tai; quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh. Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

a) Các chỉ tiêu kinh tế:

- Tổng sản phẩm địa phương bình quân hàng năm tăng 7,0 - 7,5%; trong đó công nghiệp - xây dựng tăng 9,5 - 10,2%, dịch vụ tăng 7,1 - 7,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,2 - 3,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 10 - 10,5%

- Đến năm 2025, cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng 31,8%, dịch vụ  39,6%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 23,4%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 5,2%; GRDP bình quân đầu người đạt trên 3.900 USD; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 16.000 tỷ đồng

- Tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025 đạt trên 6.000 triệu USD;

- Huy động vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 41%/GRDP.

- Đến năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt từ 52,8% trở lên; trên 85% số xã (96 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới, 36 xã đạt tiêu chí nông thôn mới nâng cao, 7 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (thêm Phù Cát, Phù Mỹ, Tây Sơn).

 b) Các chỉ tiêu xã hội:

- Đến năm 2025: Tỷ lệ lao động qua đào tạo và bồi dưỡng nghề đạt 66%; tỷ lệ người tham gia bảo hiểm y tế so với dân số trên 95%; tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội so với lực lượng lao động đạt 20,5%; duy trì 100% trạm y tế có bác sĩ; duy trì 100% số xã, phường, thị trấn đạt Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế; trên 70% số trường đạt chuẩn quốc gia.

- Giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm khoảng 30.000 người; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1,5 - 2%/năm.

- Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đưa tỷ số giới tính khi sinh giảm dần về  cân bằng tự nhiên, nâng cao chất lượng dân số; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm còn dưới 8%.

c) Các chỉ tiêu về môi trường:

Đến năm 2025: Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 58%; duy trì 100% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó có 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch; 83% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý đạt 84%; duy trì 100% tỷ lệ chất thải công nghiệp, chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt chuẩn môi trường.

3. Trụ cột tăng trưởng và các khâu đột phá:

Trên cơ sở phương hướng, mục tiêu nêu trên, việc phát triển kinh tế của tỉnh trong những năm tới tập trung vào 5 trụ cột tăng trưởng và các khâu đột phá sau:

3.1. Trụ cột tăng trưởng:

3.1.1. Phát triển công nghiệp: Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, tạo động lực phát triển nhanh nền kinh tế của tỉnh. Trong đó, tập trung nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng và đưa Khu công nghiệp - đô thị Becamex đi vào hoạt động; tích cực thu hút các nhà đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp hiện có và có kế hoạch phát triển các khu công nghiệp mới. Có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu đàn về công nghệ thông tin như TMA, FPT… phát triển; tham gia chuỗi công viên phần mềm Quang Trung; thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp (start up) đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) gắn với khởi nghiệp sáng tạo và ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; phát triển các ngành công nghiệp chế biến gắn với sản phẩm nông - lâm - thủy sản, hình thành các “cụm sản xuất nông - công nghiệp ở nông thôn”.

3.1.2. Du lịch: Tiến hành đồng bộ từ quy hoạch địa điểm, quy hoạch sản phẩm đến đầu tư, quản lý hoạt động du lịch. Xây dựng Bình Định thành điểm du lịch “3 tốt” và “3 không” . Tích cực quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước, lấy điểm nhấn là: “Quy Nhơn - thành phố du lịch sạch ASEAN”, “Quy Nhơn - điểm đến du lịch”; có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp lữ hành quốc tế.

3.1.3. Dịch vụ cảng và logistics, bao gồm cảng biển và cảng hàng không: Tập trung khai thác hiệu quả cảng Quy Nhơn hiện có gắn với sự phát triển hệ thống cảng cạn (ICD) và hiện đại dịch vụ cảng, tối đa hóa công suất, đồng thời nghiên cứu xác định địa điểm và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng mới có công suất lớn và đa năng. Khai thác tốt vận tải hàng không; xúc tiến việc quy hoạch xây dựng khu công nghiệp sản xuất gia công hàng điện tử - viễn thông gần sân bay nhằm tận dụng lợi thế vận tải hàng không của Cảng hàng không Phù Cát.

3.1.4. Phát triển nông - lâm - thủy sản dựa trên công nghệ cao, chuyển từ số lượng sang chất lượng: Thu hút các nhà đầu tư đầu tư xây dựng các trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; có biện pháp nâng cao chất lượng rừng trồng; xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với nông hộ tham gia chuỗi sản xuất và tiêu thụ; hiện đại hóa nghề cá, nhất là nuôi trồng và khai thác hải sản xa bờ. Xây dựng và hiện đại hóa trung tâm hậu cần nghề cá Tam Quan và Đề Gi. Thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

3.1.5. Phát triển kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa: Tiếp tục phát triển khu đô thị mới Nhơn Hội; quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, các khu dân cư gắn với các khu công nghiệp và việc mở rộng giao thông (như Khu công nghiệp - đô thị Becamex A, Khu đô thị - dịch vụ Becamex B, đường ven biển, đường nối sân bay Phù Cát - Nhơn Hội…). Quy hoạch đường sắt nội đô nối Cát Tiến với Trung tâm Quy Nhơn.

3.2. Các khâu đột phá tạo động lực:

Trong 5 năm tới cần tập trung vào 3 khâu đột phá sau đây:

- Thứ nhất, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư vào Bình Định.

- Thứ hai, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo định hướng phát triển của tỉnh, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, kỹ thuật công nghệ, du lịch, công nghiệp công nghệ cao; thực hiện chính sách thu hút lao động chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. 

- Thứ ba, tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông cho vùng phía Bắc tỉnh nhằm thúc đẩy cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh.

 

Lê Anh