Tổ chức đấu thầu thăm dò, khai thác khoáng sản
17/02/2009

 

Ông Lê Ái Thụ, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, Nghị định số 07/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản sẽ tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính, nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học và đồng bộ của các quy định trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

 

Ông Lê Ái Thụ, Trưởng phòng Pháp chế, Cục Địa chất khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, Nghị định số 07/2009/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP ngày 27/12/2005 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản sẽ tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính, nhưng vẫn bảo đảm tính khoa học và đồng bộ của các quy định trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản.

Xin ông cho biết những tồn tại, bất cập chính trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản thời gian qua?
Việc triển khai Luật Khoáng sản cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản thời gian qua cho thấy, một số quy định liên quan đến việc phối hợp trong cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản còn chưa đáp ứng được yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính hoặc chưa phù hợp với đặc thù của tài nguyên khoáng sản đã gây khó khăn cho việc thi hành Luật Khoáng sản.

Bên cạnh đó, một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nhưng lại chưa được quy định cụ thể, hay việc quy định thẩm quyền và trách nhiệm giữa các bộ, ngành còn chưa rõ ràng, có sự chồng chéo nên thường gặp phải vướng mắc khi áp dụng.

Và những tồn tại, bất cập đó đã được giải quyết bằng Nghị định 07/2009/NĐ-CP?

Gần như vậy! Về cơ bản, Nghị định 07/2009/NĐ-CP đã quy định chặt chẽ và rõ ràng hơn trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành và UBND các tỉnh trong cấp phép hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhằm tạo ra sự thông thoáng về thủ tục hành chính, nhưng vẫn bảo đảm tính chặt chẽ, khoa học và đồng bộ của các quy định.

Nghị định này cũng giải quyết những bất cập trong các quy định về diện tích khai thác khoáng sản nằm ngoài quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của cả nước hoặc không thuộc diện dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; đấu thầu hoạt động khoáng sản; khoanh định và phê duyệt khu vực cấm, tạm thời cấm; khu vực dự trữ tài nguyên khoáng sản quốc gia; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không bắt buộc phải qua giai đoạn thăm dò nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước, bảo đảm khai thác hiệu quả, tiết kiệm nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước. Ngoài ra, Nghị định cũng đã điều chỉnh mức lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản để bảo đảm phù hợp với thực tế và nâng cao nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân thăm dò, khai thác khoáng sản.

Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 07/2009/NĐ-CP là quy định việc đấu thầu thăm dò và khai thác khoáng sản. Ông có thể nói rõ hơn về quy định này?

Việc đấu thầu thăm dò và đấu thầu khai thác khoáng sản thực ra đã được quy định trong Luật Khoáng sản và tại Điều 23 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP, nhưng chưa được triển khai thực hiện. Thời gian qua, các địa phương chủ yếu cấp phép và thu lệ phí, nên khoản thu cho ngân sách nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với giá trị của tài nguyên khoáng sản là tài sản của quốc gia.

Các DN được cấp phép thăm dò, khai thác theo quy định hiện hành dễ xẩy ra tình trạng cứ chỗ nào “ngon” thì làm, khó thì bỏ dẫn đến lãng phí tài nguyên khoáng sản. Vì vậy, việc thực hiện đấu thầu hoạt động thăm dò, đấu thầu khai thác khoáng sản sẽ giúp tăng thu cho ngân sách, đồng thời các DN khai thác sẽ tìm các biện pháp nâng cao công nghệ trong khai thác và chế biến để tận thu tối đa khoáng sản trong khu vực trúng thầu.

Sau khi Nghị định 07/2009/NĐ-CP được ban hành, có ý kiến cho rằng, Nhà nước đã giảm mức lệ phí độc quyền thăm dò khoáng sản. Điều này có đúng không, thưa ông?

Đó là một cách hiểu sai. Theo quy định tại Điều 29, Nghị định số 160/2005/NĐ-CP, mức lệ phí tính theo đồng/km2/năm. Nghị định số 07/2009/NĐ-CP quy định mức lệ phí là đồng/ha/năm. Như vậy, mức lệ phí độc quyền thăm dò năm thứ nhất đã tăng lên gấp gần 17 lần.

Có tình trạng nhiều địa phương đã “xé lẻ” các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để cấp giấy phép nhằm tránh công tác thăm dò, dẫn đến tổn thất tài nguyên khoáng sản, gây mất an toàn lao động và phá hủy môi trường. Vậy điều này đã được khắc phục ra sao?

Để khắc phục tình trạng này, Nghị định số 07/2009/NĐ-CP đã bổ sung thêm điểm d, khoản 2, Điều 17 của Nghị định số 160/2005/NĐ-CP. Nội dung của điểm d (bổ sung) quy định ngoài điều kiện bắt buộc phải có, các tổ chức, cá nhân khai thác còn phải bảo đảm điều kiện sản phẩm khai thác chỉ phục vụ cho việc duy tu, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đê điều tại địa phương.

 
(Theo Báo Đầu tư)