Công bố Chỉ số PCI năm 2019: Bình Định đứng thứ 19 toàn quốc
05/05/2020

 

Bình Định giữ vị trí thứ 19/63 tỉnh thành phố và đứng thứ 4 toàn khu vực miền Trung sau Đà Nẵng, Quảng Nam, Nghệ An. So với năm 2018, tỉnh tăng 1 bậc về xếp hạng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

 

Theo đó, sáng nay ngày 5/5/2020 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019. Năm tỉnh thuộc nhóm đầu gồm Quảng Ninh, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Đà Nẵng.


Thứ hạng và điểm chỉ số PCI Bình Định trong những năm qua

Năm 2019, tỉnh Bình Định có điểm chỉ số chung là 66,56 điểm trên thang điểm 100 (thuộc nhóm Khá), xếp trên các tỉnh Thừa Thiên Huế, An Giang, Lâm Đồng, tăng thêm một bậc so với năm 2018. Trong 10 chỉ số thành phần thì có đến 8 chỉ số tăng điểm so với năm trước, cụ thể: Gia nhập thị trường (8,03),  Tiếp cận đất đai (7,11), Tính minh bạch (6,95), Chi phí không chính thức (7,05), Cạnh tranh bình đẳng (6,44), Tính năng động (6,84), Đào tạo lao động (6,72), Thiết chế pháp lý (6,81). Hai chỉ số giảm điểm gồm Chi phí thời gian (6,57), Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp (5.61).

Tổng quan các chỉ số thành phần những năm qua của tỉnh Bình Định

Để có sự cải thiện vị trí xếp hạng PCI thì ngay từ ngày 03/5/2019, UBND tỉnh Bình Định đã có văn bản số 2275/UBND-TH về việc đề xuất các giải pháp cải thiện thứ hạng về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong đó tập trung cải thiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đối thoại với doanh nghiệp, tiếp xúc, lắng nghe và giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc của các doanh nghiệp.

Báo cáo PCI 2019 là ấn phẩm thường niên năm thứ 15 liên tiếp do VCCI và USAID hợp tác xây dựng và công bố, nhằm đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh và chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Với sự tham gia của gần 12.500 doanh nghiệp, PCI là “tập hợp tiếng nói” của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước về mức độ cải cách trên từng lĩnh vực điều hành, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng tại Việt Nam.

Đặc biệt, lần đầu tiên báo cáo PCI 2019 phân tích về xu hướng tự động hóa và số hóa trong sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam, dự báo tác động của xu hướng này đối với lao động, việc làm trong thời gian tới.

Thông tin chi tiết xem thêm tại: https://www.pcivietnam.vn/ho-so-tinh/binh-dinh

Lê Anh