Sẽ không ban hành mẫu báo cáo năng lực tài chính
23/10/2008

 

Đó là một trong những đề xuất của Dự thảo lần thứ tư Thông tư hướng dẫn một số điều Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.  

 

Đó là một trong những đề xuất của Dự thảo lần thứ tư Thông tư hướng dẫn một số điều Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.  
 
Với nỗ lực nhằm giải quyết tối đa khoảng 100 vướng mắc trong hoạt động đầu tư được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thu thập từ ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư, hướng đi mới của Dự thảo Thông tư lần này sẽ tập trung hướng dẫn, đồng thời làm rõ một số thủ tục, trình tự trong hoạt động cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Cụ thể, một trong những vướng mắc lớn hiện nay đối với các dự án thuộc diện thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư từ phía các nhà đầu tư là nội dung liên quan đến hồ sơ dự án, đặc biệt là báo cáo năng lực tài chính của nhà đầu tư, được hướng dẫn theo hướng đưa ra những yêu cầu để nhà đầu tư cung cấp thông tin.

Đó là thông tin về tên nhà đầu tư, về dự án mà nhà đầu tư đang triển khai, báo cáo tài chính đã được kiểm toán trong 2 năm gần nhất, giải trình về khả năng và nguồn tài chính để đầu tư dự án như cam kết cho vay của các ngân hàng, tổ chức tài chính, cá nhân… Đặc biệt, Dự thảo Thông tư cũng đưa ra yêu cầu giải trình về nhu cầu sử dụng đất được tính toán trên cơ sở quy mô, công suất và quy hoạch xây dựng kèm các văn bản giới thiệu địa điểm do cơ quan có thẩm quyền hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc thuê địa điểm…

Cần phải nói rõ là, theo quy định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, nhà đầu tư tự chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo năng lực tài chính của mình. Hơn thế, báo cáo năng lực tài chính không nằm trong nội dung thẩm tra của cơ quan quản lý nhà nước trong quy trình thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư. Tuy nhiên, thắc mắc từ các nhà đầu tư là họ cần phải báo cáo nội dung gì liên quan. Đã có kiến nghị về việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần ban hành mẫu để làm rõ nội dung này.

Tuy nhiên, trong cuộc họp gần đây về nội dung Dự thảo Thông tư, Ban soạn thảo đã thể hiện quan điểm là sẽ chỉ hướng dẫn một số nội dung, chứ không có mẫu về báo cáo này. Những nội dung về nhu cầu sử dụng đất cũng được hướng tới giải toả những khó khăn hiện nay của các địa phương khi đã xảy ra tình trạng trùng lặp các địa điểm đầu tư của nhà đầu tư khi làm thủ tục thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hơn thế, khá nhiều nhà đầu tư đã coi giấy chứng nhận đầu tư với địa điểm được ghi theo đề xuất của nhà đầu tư như một “bảo bối” để làm thủ tục xin đất, ảnh hưởng không nhỏ tới quản lý nhà nước về đất đai của một số địa phương.

Ban soạn thảo cho rằng, các nội dung đề xuất trên sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có được những đánh giá khá tổng quan trên hồ sơ về năng lực của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng dễ dàng định hướng các thông tin cần thiết để hoàn thiện hồ sơ, thay vì liên tục gửi câu hỏi và chờ đợi các câu trả lời từ các cơ quan có liên quan. Đáng nói là hướng giải quyết này cũng sẽ chấm dứt được hệ luỵ lâu nay vẫn bị nhiều nhà đầu tư cho là “cửa ải” do cơ quan hành chính đặt ra, đó là khái niệm “hồ sơ hợp lệ”. Bởi vì theo quy định, thời gian thụ lý hồ sơ chỉ bắt đầu tính từ khi bộ phận tiếp nhận nhận được “hồ sơ hợp lệ” của nhà đầu tư…

Liên quan tới quy định về thẩm tra tiến độ dự án, các chuyên gia soạn thảo đã đưa ra 3 tiêu chí để thẩm tra tiến độ dự án đầu tư, tránh tình trạng tuỳ tiện quy định tiến độ, nhằm làm cơ sở cho công tác hậu kiểm. Đó là tính hiệu quả của việc sử dụng đất đai và các nguồn tài nguyên; đáp ứng yêu cầu của việc thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng… và tính hợp lý của thời gian tiến hành các thủ tục cần thiết, xây dựng công trình và lắp đặt thiết bị. Với các dự án trong khu công nghiệp, tiến độ của dự án còn được tính tới cả tiến độ của dự án hạ tầng khu công nghiệp.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến cho rằng, các tiêu chí này vẫn quá định tính, thiếu các tiêu chí định lượng. Điều này sẽ khó thuyết phục các nhà đầu tư khi cơ quan quản lý nhà nước không chấp thuận với đề xuất của các nhà đầu tư về tiến độ dự án. Đã có quan điểm rằng, nên chăng xây dựng thêm một số tiêu chí định lượng dựa trên quy mô, lĩnh vực hoạt động của dự án như đã làm với các dự án nhóm A, B, C đối với đầu tư nhà nước…

Bên cạnh đó, nguyên tắc được hưởng ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư cũng đang gặp khó. Lý do là trong khi pháp luật về đầu tư cho phép nhà đầu tư được hưởng ưu đãi đầu tư dự án, thì pháp luật về thuế, cụ thể là thuế thu nhập doanh nghiệp lại xử lý vấn đề này theo pháp nhân. Như vậy, đề xuất của Dự thảo Thông tư về trường hợp dự án thực hiện nhiều lĩnh vực khác nhau thì phải hạch toán riêng theo từng lĩnh vực để hưởng ưu đãi, hoặc hưởng mức ưu đãi theo lĩnh vực có điều kiện ưu đãi thấp nhất sẽ khó thực hiện.