Thu hút đầu tư năm 2019 là tiền đề rất tốt cho 2020 và những năm tiếp theo
25/12/2019

 

Từ những tiềm năng và lợi thế, tăng cường đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông gắn kết và bằng các cơ chế, chính sách thuận lợi, thông thoáng trong mời gọi, thu hút đầu tư của lãnh đạo tỉnh mà các doanh nghiệp lập dự án, tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh tại tỉnh đã ngày càng tăng. Nhờ đó, đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Các tiềm năng, thế mạnh về năng lượng, công nghệ thông tin, sản xuất công nghiệp, chế biến nông - lâm thủy hải sản, giáo dục đào tạo và du lịch, dịch vụ khách sạn... được “đánh thức” kịp thời.

 

Tăng cả về số lượng lẫn chất lượng dự án đầu tư


Đối với thu hút đầu tư trong nước, nếu như năm 2018, toàn tỉnh thu hút được 80 dự án với tổng mức đầu tư đạt 34.887 tỷ đồng thì đến năm nay, toàn tỉnh đã thu hút 83 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút đầu tư đạt hơn 48.059,61 tỷ đồng. Như vậy, so với năm trước thì tăng 3,8% về số dự án và tăng 37,8% % về tổng vốn thu hút đầu tư. Cụ thể:


·         Khu vực ngoài khu Kinh tế, Khu Công nghiệp: Cấp phép cho 57 với tổng vốn đăng ký đầu tư 13.734 tỷ đồng.


·         Khu vực trong Khu kinh tế: Cấp phép cho 10 dự án vào Khu kinh tế Nhơn Hội (đã bao gồm KCN Nhơn Hội A, B) với vốn đăng ký 30.142 tỷ đồng nâng tổng số dự án đăng ký đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội. 


·         Khu vực các Khu Công nghiệp ngoài Khu kinh tế: Cấp phép 5 dự án với vốn đăng ký 205 tỷ đồng.


Bên cạnh đó, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công cho 03 dự án với tổng vốn đầu tư trên 3.977 tỷ đồng.


Đối với thu hút đầu tư nước ngoài, trong năm nay tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 06 dự án với tổng vốn đăng ký 80,02 triệu USD. Vốn giải ngân của các dự án FDI đạt khoảng 100 triệu USD, đạt 130 % so với kế hoạch. Toàn tỉnh hiện có 80 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 709,31 triệu USD; trong đó có 32 dự án trong KKT và KCN với tổng vốn đăng ký là 485,26 triệu USD và 48 dự án ngoài KKT và KCN với tổng vốn đăng ký 224,05 triệu USD.


Những kết quả trên đây là cho thấy môi trường kinh doanh tại tỉnh Bình Định hiện nay là khá hấp dẫn cho việc đầu tư và kinh doanh của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, là tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển và thu hút đầu tư của năm 2020 và những năm tiếp theo.


Xuất hiện nhiều hơn những dự án có vốn đầu tư lớn


Trong giai đoạn 2015 - 2019 thì năm 2019 được xem là năm ấn tượng nhất về chất lượng vốn đầu tư tư nhân, nhiều dự án có quy mô lớn được các nhà đầu tư tên tuổi như FPT, Phát Đạt, Hưng Thịnh, FLC,… rót vốn vào tỉnh.


Tổng vốn thu hút đầu tư của tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 - 2019 


Một số dự án lớn tỉnh Bình Định thu hút được trong năm 2019 phải kể như Dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội do Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt đầu tư tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 25.576 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ do Công ty Cổ phần Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh đầu tư tại thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 2.119 tỷ đồng; Dự án Nhà máy điện gió Nhơn Hội 1 và Nhơn Hội 2 do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Địa ốc FICO đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư của 2 dự án là 2.285,89 tỷ đồng; 



Dự án Nhà máy điện mặt trời QNY do Công ty Cổ phần Năng lượng QN đầu tư Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 1.612 tỷ đồng; Dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airway do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hàng không Tre Việt thuộc Tập đoàn FLC đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 659 tỷ đồng; Dự án Trường Đại học FPT – Phân hiệu AI Quy Nhơn do Trường Đại học FPT đầu tư tại Khu đô thị Bắc sông Hà Thanh, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 693,93 tỷ đồng; Dự án Nhà máy nước giải khát TingCo Bình Định do Công ty Trách nhiệm hữu hạn TingCo đầu tư tại Khu kinh tế Nhơn Hội, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 300 tỷ đồng; Dự án Khu phức hợp văn phòng, khách sạn và căn hộ của Công ty CP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn tại khu đất số 01 Nguyễn Tất Thành, thành phố Quy Nhơn, tổng vốn đầu tư 2.119 tỷ đồng; Dự án tại khu đất số 01 Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn của Liên danh Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, Công ty CP Đầu tư Thương mại Dịch vụ AKYN và Công ty CP Đầu tư 559, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng...


Các địa bàn huyện đã bắt đầu chú trọng thu hút đầu tư


Bên cạnh việc thành phố Quy Nhơn tiếp tục dẫn đầu về thu hút đầu tư thì trong năm 2019, nhiều địa bàn huyện đã chú trọng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các địa bàn đặc biệt khó khăn đã xem thu hút dòng vốn đầu tư tư nhân là cách thức góp phần tăng tưởng kinh tế chung của tỉnh, đồng thời tạo nhiều việc làm mới, gia tăng số lượng lao động lành nghề.


Theo danh mục của Chính phủ, tỉnh ta có 7 huyện thuộc danh mục địa bàn đặc biệt khó khăn là An Lão, Hoài Ân, Vân Canh, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Phù Mỹ, Phù Cát và Khu Kinh tế Nhơn Hội; 1 huyện thuộc danh mục địa bàn khó khăn là Tuy Phước.


Nếu như năm 2018, huyện Tây Sơn chỉ thu hút đầu tư được 02 dự án thì đến năm nay toàn huyện đã thu hút đến 10 dự án đầu tư. Tương tự, huyện Phù Mỹ và Hoài Nhơn, mỗi địa bàn đã thu hút đến 9 dự án thay vì chỉ có 04 dự án so với năm trước. Huyện Tuy Phước cũng đã thu hút 06 dự án, tăng 4 dự án so với năm 2018, đây được xem là những chuyển biến tích cực cho những nỗ lực của tỉnh Bình Định trong phong trào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thể hiện vai trò Nhà nước luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư.  



Số dự án thu hút đầu tư năm 2019 phân theo địa bàn của tỉnh Bình Định 


Tuy nhiên vẫn còn đó một số địa bàn vẫn chưa thu hút nhiều nhà đầu tư đầu tư. Thống kê cho thấy Vĩnh Thạnh, Hoài Ân, An Lão là những địa bàn chỉ thu hút 1 đến 2 dự án đầu tư trong năm qua.


Định hướng thu hút đầu tư cho thời gian tới


Giải pháp then chốt để nâng cao tốc độ phát triển kinh tế là việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành. Theo kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt, nhiệm vụ trong thời gian tới tỉnh sẽ:


·         Tổ chức xúc tiến mời gọi ở các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Hoa Kỳ...; đặc biệt chú trọng thu hút những doanh nghiệp lớn trong nước để làm đòn bẫy thu hút các tập đoàn kinh tế nước ngoài.


·         Đẩy nhanh thi công và hoàn thành các công trình hạ tầng lớn của tỉnh, nhất là các công trình giao thông gắn kết như trục Quy Nhơn – Vân Canh, trục Khu kinh tế - Sân bay, quốc lộ 19, đường ven biển...


·         Tăng cường cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính để ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các nhóm ngành kinh tế then chốt, tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh; áp dụng triệt để các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của Chính phủ đối với các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn, nhất là các dự án vào các khu – cụm công nghiệp.


·         Tiếp tục hỗ trợ nhà đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục hành chính, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc để sớm triển khai xây dựng dự án trọng điểm như Becamex, FPT, Hưng Thịnh, cảng cạn và chuỗi logistic... Đôn đốc các dự án đủ điều kiện tổ chức triển khai xây dựng nhưng cũng kiên quyết xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ do thiếu năng lực thực hiện để giao cho nhà đầu tư khác.


·         Tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án lớn để nhanh tạo nguồn thu ngân sách và làm tiền đề cho thu hút các dự án tiếp theo như Dự án Khu khách sạn cao cấp K200 tại Khu đất K200, đường An Dương Vương, thành phố Quy Nhơn, quy mô sử dụng đất 10.819 m2; Dự án Khu phức hợp thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn và chung cư thương mại tại 25 Tây Sơn (số cũ 72B Tây Sơn), quy mô sử dụng đất 7.094 m2; Dự án hạ tầng logistic và chế biến thủy sản; các khu đô thị thuộc thành phố Quy Nhơn và phụ cận...


 

Nguyễn Bay