Trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư cho Hãng hàng không Bamboo Airways
20/04/2018

 

UBND tỉnh Bình Định vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư cho dự án Vận tải hàng không Tre Việt tại Cảng hàng không Phù Cát.

 

Ảnh minh họa

Trong khi đó, ngày 12/4/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Bamboo Airways.

Trước đó, các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Xây dựng cũng đã lần lượt có ý kiến về dự án này.

Theo đó, dự án Vận tải hàng không Tre Việt, tên thương mại Bamboo Airways (BAS) có sân bay căn cứ tại Cảng hàng không Phù Cát, tổng mức đầu tư dự án khoảng 700 tỷ đồng (100% vốn chủ sở hữu) và sẽ sử dụng các loại tàu bay AirBus A320/A321 hoặc Boeing B737.

BAS lựa chọn khai thác theo Mô hình kết hợp giữa mô hình Hãng hàng không truyền thống đầy đủ dịch vụ và mô hình Hãng hàng không giá rẻ, BAS sẽ cung cấp các dịch vụ cơ bản như hành lý ký gửi, báo chí, suất ăn và có thu phí với các dịch vụ nâng cao như Thương gia, Phòng chờ hay dịch vụ Lux Air.

BAS chia chiến lược phát triển thành 3 giai đoạn chính gồm:

-       Giai đoạn thâm nhập thị trường nội địa với 03 tàu bay chở khách, khai thác các đường bay kết nối Quy Nhơn với các điểm du lịch như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng và đường bay trục Hà Nội - Tp Hồ Chí Minh; dự kiến bắt đầu khai thác quốc tế từ năm thứ hai với các đường bay nối Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quy Nhơn với thị trường Trung Quốc;

-       Giai đoạn mở rộng thị trường:  BAS sẽ tăng đội bay lên với tốc độ tăng khoảng 2-3 tàu bay/ năm, mở rộng mạng đường bay nội địa và tham gia khai thác các đường bay quốc tế khu vực;

-       Giai đoạn ổn định và phát triển: BAS phát triển thêm các dịch vụ mới và dịch vụ giá trị gia tăng khác, đồng thời với việc tăng trưởng đội bay lên 20-25 chiếc.

Trên cơ sở mục tiêu chiến lược và kế hoạch đề ra, BAS phát triển mạng đường bay theo hướng tập trung khai thác thế mạnh của Tập đoàn FLC là các khu du lịch nghỉ dưỡng, kết nối các đường bay trực tiếp từ Thanh Hóa, Quảng Ninh, Quy Nhơn, Nghệ An, Hải Phòng ... với thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Macau, Nhật Bản... tạo thuận lợi cho khách hàng mục tiêu với sản phẩm hàng không - du lịch và đảm bảo tính riêng biệt với các đối thủ cạnh tranh. Bên cạnh đó, BAS quan tâm đến hiệu quả sử dụng đội máy bay và tính ổn định của lịch bay. Hạn chế tối đa cắt hủy, chậm giờ khai thác.

Dự án đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung, góp phần quảng bá du lịch tỉnh Bình Định và thúc đẩy ngành dịch vụ phát triển theo Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Bình Định về phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Định  giai đoàn 2016 – 2020 trong đó xác định “Đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng du lịch nhất là phương tiện vận tải, cơ sở lưu trú, khu nghỉ dưỡng du lịch chất lượng cao; không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng các sản phẩm mang tính đặc thù địa phương, có tính hấp dẫn cao để thu hút khách tham quan du lịch”.

Hiện nay Cảng hàng không Phù Cát đang trong quá trình Xây dựng, mở rộng khu hàng không dân dụng; đồng thời Cảng hàng không Phù Cát cũng đã được Bộ GTVT phê duyệt nâng cấp đủ chỗ đậu cho 12 máy bay tại Quyết định số 353/QĐ-BGTVT ngày 1/2/2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Phù Cát giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.


Lê Anh