Kinh tế miền Trung: Khi lợi thế có thể thành bất lợi
25/09/2017

 

Có nhiều cảng biển tốt là lợi thế tự nhiên hầu như “tuyệt đối” của vùng duyên hải miền Trung...

 

Miền Trung có đường bờ biển dài hơn 1.200 km, có 13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại 1.
Như VnEconomy đã thông tin, sáng 25/9 Diễn đàn Kinh tế Miền Trung lần thứ hai sẽ được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Trước thềm sự kiện này, nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung cùng cơ quan khởi xướng diễn đàn - Thời báo Kinh tế Việt Nam - đã có chuyến khảo sát tại nhiều tỉnh trong vùng.

Từ Thừa Thiên - Huế tới Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, đến đâu TS. Trần Du Lịch - trưởng nhóm tư vấn - cũng đặt ra băn khoăn về quy hoạch và phát triển cảng biển, như một mối lo cụ thể trong một nỗi lo tổng thể: lợi thế có thể biến thành bất lợi nếu không có sự liên kết chặt chẽ.

Thật trùng hợp, đây cũng là cảnh báo từ một số vị chuyên gia khác, trong đó có TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung.

Với đường bờ biển dài hơn 1.200 km, có 13 cảng biển, trong đó có 7 cảng biển loại 1, ông Thiên đánh giá: nhiều cảng biển tốt là lợi thế tự nhiên hầu như “tuyệt đối” của vùng duyên hải miền Trung.

Song, vị chuyên gia này cũng cảnh báo: trong nhiều trường hợp, nếu không biết phát huy đúng kiểu, lợi thế to lớn có thể trở thành yếu tố kìm hãm phát triển, dễ chuyển thành bất lợi thế, có tác động phá vỡ các nỗ lực phát triển của mỗi địa phương.

Cuộc cạnh tranh phát triển cảng biển đang diễn ra quyết liệt giữa các tỉnh duyên hải miền Trung là minh chứng điển hình của nghịch lý phát triển này.

Ông Thiên phân tích, cảng Chân Mây và cảng Đà Nẵng, cảng Kỳ Hà và cảng Dung Quất, xa hơn là cảng Quy Nhơn và cảng Nha Trang - cảng nào cũng tốt, vì thế, khó “nhường nhau” trong nỗ lực phát triển. Trên thực tế, vì lợi ích địa phương chính đáng, mỗi tỉnh đều muốn phát triển tối đa cảng của mình, mặc kệ cảng sát ngay bên cạnh. Tình thế “hai con dê qua cầu” trong nỗ lực phát triển huy lợi thế cảng biển (và cảng hàng không cũng vậy) đang được xác lập giữa các tỉnh trong vùng.

Ngoài cảng biển thì một lợi thế khác cũng cần kể đến, đó là toàn vùng có 6 khu kinh tế ven biển, diện tích quy hoạch 152.000 ha, tập trung chủ yếu vào các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, du lịch, lọc hóa dầu. Nhưng theo nhận định của ông Thiên thì các khu kinh tế này chưa được khai thác đáng kể.
 
Không có vùng kinh tế trọng điểm nào có tiềm năng và lợi thế cảng biển và khu kinh tế ven biển lớn như vậy, Viện trưởng Thiên nhấn mạnh.

Nhưng vẫn theo ông, sự dày đặc các khu kinh tế ven biển và các khu công nghiệp của vùng kinh tế trọng điểm nào miền Trung hiện tại lại không phải là một chỉ báo chứng tỏ vùng đã có một “hậu phương công nghiệp” mạnh.

Bởi, cảnh báo tiếp theo được vị Viện trưởng nêu là không có “hậu phương công nghiệp” và khi đô thị còn kém phát triển, lợi thế cảng biển và nỗ lực phát triển cảng của các tỉnh đang trở thành sự lãng phí to lớn và cản trở phát triển, thậm chí còn gây hiệu ứng “cạnh tranh cùng xuống đáy” giữa các tỉnh trong vùng.

Kéo theo đó là một vòng luẩn quẩn phát triển đang hình thành ở vùng kinh tế nhiều lợi thế và tiềm năng này: càng ra sức đầu tư phát huy lợi thế, sức hấp dẫn đầu tư càng bị phân tán, xu hướng cạnh tranh “ cùng xuống đáy” giữ các tỉnh lại càng khốc liệt.

Đó thực sự là một nguy cơ phát triển không nhỏ của vùng, cần được đặt ra một cách thẳng thắn, phải được mổ xẻ nghiêm túc, ông Thiên đặt vấn đề.

Nhìn nhận thẳng thắn, mổ xẻ nghiêm túc, sẽ không chỉ riêng những vấn đề mà ông Thiên đặt ra. Khó có thể thống kê chi tiết những "đòi hỏi" tại hàng chục bản tham luận đã được gửi tới ban tổ chức diễn đàn.

Từ nút thắt của cơ chế, chính sách, phát triển logistics, mô hình khu kinh tế đến sức mạnh cộng hưởng... với tên tuổi các vị chuyên gia nổi tiếng như Huỳnh Thế Du, Nguyễn Xuân Thành, Vũ Minh Khương...

Và câu hỏi làm gì để những lợi thế của miền Trung không rơi vào nguy cơ trở thành bất lợi chắc chắn sẽ được mổ xẻ nghiêm túc, như đòi hỏi của TS. Trần Đình Thiên.
 
NT (nguồn VnEconomy)