Tăng cường thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp
21/08/2017

 

Những năm gần đây, Bình Định thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút mạnh đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn những quy định về công tác quản lý Nhà nước ở các cụm công nghiệp (CCN) chưa đồng bộ, một số quy định chưa sát với thực tế tại địa phương, khiến việc quản lý CCN của các Sở ban ngành các tỉnh, thành nói chung, Bình Định nói riêng còn nhiều bất cập, làm hạn chế đến công tác quản lý, phát triển CCN.

 

Cụm công nghiệp Cát Nhơn, huyện Phù Cát

Theo Quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định 63 CCN với tổng diện tích 1.981,1 ha. Đến nay, có 42/63 CCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích là 1.369,6 ha. Trong đó, có 12/42 CCN với tổng diện tích 327,2 ha đã đầu tư cơ bản hạ tầng (đường nội bộ, hệ thống điện, cấp nước...); có 12 CCN với tổng diện tích 295,2 ha, đã bố trí các đơn vị sản xuất lấp đầy diện tích quy hoạch; có 07/42 CCN đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải chung. 

Tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng của 42 CCN khoảng 2.274 tỷ đồng, đã thực hiện 598,8 tỷ đồng (đạt 26,3% so với nhu cầu); trong đó, vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 15,4 tỷ; còn lại ngân sách huyện hỗ trợ, vốn của doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN và huy động vốn ứng trước của các cơ sở sản xuất đầu tư trong CCN. Có 08 doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng của 10 CCN; 32 CCN do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư. 

Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của 42 CCN đã đi vào hoạt động là 480,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy bình quân 54,5%. Các CCN đi vào hoạt động đã thu hút được 772 đơn vị sản xuất đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký 6.735 tỷ đồng, đã thực hiện 5.619 tỷ đồng (đạt 83,4% so tổng số vốn đăng ký). Trong đó: có 701 đơn vị sản xuất đã hoạt động và giải quyết việc làm cho khoảng 20.000 lao động, chủ yếu là lao động sinh sống tại các vùng gần CCN, với mức lương bình quân từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực trong phát triển CCN, công tác triển khai đầu tư hạ tầng phần lớn chưa tuân đủ đúng trình tự quy định, vi phạm quy trình quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư hạ tầng chủ yếu dưới hình thức cuốn chiếu (vừa đầu tư hạ tầng vừa cho thuê đất) làm ảnh hưởng đến công tác thu hút đầu tư; tiến độ đầu tư xây dựng chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu về mặt bằng sản xuất và khả năng nguồn vốn của địa phương; Các công trình hạ tầng kỹ thuật trong hàng rào chưa đáp ứng nhu cầu còn chắp vá, thiếu đồng bộ, số khu, cụm công nghiệp đã thực hiện đầu tư công trình xử lý ô nhiễm môi trường nhưng không đáng kể, nên mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm chưa đạt được.Mặc khác, giá duy tu bảo dưỡng của các khu, cụm công nghiệp rất cao (KCN trung bình 0,175 USD/m2/năm, CCN trung bình 0,12 USD/m2/năm), dẫn đến hiện tượng các nhà đầu tư thường tìm các địa điểm ngoài khu, cụm công nghiệp để sản xuất.

Bên cạnh đó, phần lớn các cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch được thành lập chủ yếu hình thành trước khi Quy chế quản lý cụm công nghiệp có hiệu lực, do UBND cấp huyện làm chủ đầu tư (hoặc ủy quyền cho Ban quản lý các CCN, phòng chuyên môn), như vậy chủ đầu tư vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, vừa kinh doanh là không phù hợp quy định hiện hành. Cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng kỹ thuật chưa đủ mạnh tạo được sức hút, hơn nữa cơ chế chưa rõ, việc đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư lớn thời gian thu hồi chậm, năng lực của các chủ đầu tư hạ tầng còn hạn chế nên việc triển khai đầu tư hạ tầng chậm, xúc tiến mời thứ cấp còn khó khăn.

Một số CCN hiện nay không còn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội cũng như chưa phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh nên còn có nhiều bất cập, chậm được khắc phục như: Các CCN hình thành đan xen trong các khu đô thị, khu dân cư; chưa bảo đảm khoảng cách cụ thể như: CCN Quang Trung, CCN Nhơn Bình (TP. Quy Nhơn); CCN Gò Đá Trắng, CCN Thanh Liêm, CCN Phường Bình Định (TX. An Nhơn).

Một số địa phương đưa quy hoạch nhiều CCN nhằm mục đích để nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách, khi nguồn vốn hỗ trợ không cân đối được, dẫn đến việc chưa đầu tư, đầu tư không đồng bộ hoặc tạm dừng đầu tư trong thời gian dài làm ảnh hưởng tới quy hoạch chung trong CCN và môi trường trong khu vực. Một số CCN khi triển khai xây dựng hạ tầng CCN hoặc bố trí doanh nghiệp trong khi chưa có quy hoạch chi tiết được cấp thẩm quyền phê duyệt, do đó khi doanh nghiệp đầu tư nhà xưởng đi vào hoạt động bị bế tắc vì chưa gắn liền và chưa tính đến khả năng cung ứng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào CCN như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc trong giai đoạn hiện tại cũng như trong tương lai.

Các thủ tục hành chính liên quan đến công tác thu hút đầu tư như: Quyết định chủ trương đầu tư, cấp phép xây dựng đối với các dự án đầu tư thực hiện tại CCN có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và ngành nghề đầu tư phù hợp với ngành nghề kinh doanh của CCN đã được cấp thẩm quyền phê duyệt vẫn phải thực hiện như đối với các dự án thông thường khác. Ngoài ra, tại một số địa phương công tác bồi thường GPMB của một số dự án còn chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và xây dựng công trình; công tác tiếp nhận và giải quyết các dự án xin đầu tư vào CCN còn qua nhiều bước dẫn đến chậm trễ trong công tác cấp phép đầu tư.

Điều kiện thành lập, hoạt động của Trung tâm phát triển CCN làm chủ đầu tư hạ tầng CCN không rõ, dẫn đến triển khai còn lúng túng. Việc quản lý các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và dự án sản xuất kinh doanh trong CCN chưa rõ cơ quan đầu mối hướng dẫn, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông để tiết kiệm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp.

Việc thực hiện hỗ trợ phát triển khu, cụm công nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do nguồn lực của tỉnh có hạn cho nên hoạt động đầu tư phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp còn hạn chế; dẫn đến tình trạng nhiều khu, cụm công nghiệp đã có Quyết định thành lập từ vài năm nhưng đến nay vẫn chưa bố trí vốn đầu tư hạ tầng, hạn chế trong việc thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào cụm công nghiệp.

Từ những tồn tại trên, các địa phương nói chung và Bình Định nói riêng cần có những giải pháp tức thời và lâu dài để khắc phục, nhằm thu hút nhanh các nhà đầu tư vào CCN để phát triển kinh tế - xã hội.

VTD